Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

Hiện nay, khu vực tỉnh Long An đang được triển khai nhiều dự án quy hoạch đô thị đến năm 2020 và những chính sách đó là gì? Chúng ta cùng theo dõi!

Thông tin khái quát về tỉnh Long An
Long An là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt, phía Bắc giáp thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia, phía Tây và Nam giáp tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, phía Đông giáp sông Soài Rạp nối ra biển Đông. Theo các tuyến giao thông thủy, bộ từ thành phố Hồ Chí  Minh và các tỉnh Miền Đông về Miền Tây đều phải qua Long An. 

Tỉnh Long An có diện tích tự nhiên 4.492 km2 với 15 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện; hiện nay toàn tỉnh có 17 đô thị, gồm 1 đô thị loại III (thành phố Tân An), 5 đô thị loại IV (Kiến Tường, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc) và 11 đô thị loại 5 (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Bình Phong Thạnh, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Đông Thành, Hiệp Hòa, Đức Hòa).

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

Các chính sách quy hoạch đô thị cụ thể theo từng năm tại Long An
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4666/QĐ-UBND ngày 30/12/2013.

Khung phát triển vùng tỉnh Long An gồm trục hành lang Quốc lộ 1, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao nối Long An với TP HCM và Vùng đồng bằng sông Cửu Long; trục hành lang vành đai 3 và 4 kết nối Long An với sân bay quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải; trục hành lang đường Hồ Chí Minh, đường N1 kết nối Long An với vùng TP HCM, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên; trục hành lang Quốc lộ 62 kết nối vùng Đồng Tháp Mười với hành lang Xuyên Á; trục hành lang kinh tế – đô thị quốc gia Quốc lộ 50 kết nối vùng công nghiệp cảng Long An (Cần Giuộc) với TP HCM và tỉnh Tiền Giang; trục hành lang kinh tế đường thủy quốc gia gồm sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Cần Giuộc kết nối Long An với TP. HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cấu trúc không gian các vùng đô thị – công nghiệp tập trung gồm: Vùng đô thị – công nghiệp trung tâm vùng tỉnh bao gồm các đô thị Tân An, Bến Lức, Thủ Thừa; vùng đô thị – công nghiệp cảng Long An;  vùng đô thị – công nghiệp Đức Hòa, Hậu Nghĩa; vùng đô thị Đông Thành, Hiệp Hòa, Mỹ Quý; vùng đô thị – công nghiệp Kiến Tường gắn với cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Long An; vùng đô thị – công nghiệp theo dạng tuyến như Vĩnh Hưng – Tân Hưng, Thạnh Hóa – Tân Thạnh.

Dự kiến số lượng đô thị trên địa bàn tỉnh Long An theo quy hoạch vùng tỉnh như sau:

– Năm 2020: Có 25 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (Tân An), 3 đô thị loại III (Kiến Tường, Bến Lức, Hậu Nghĩa), 8 đô thị loại IV (Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng) và 13 đô thị loại V (Tân Trụ, Tầm Vu, Đông Thành, Hiệp Hòa, Mỹ Hạnh, Gò Đen, Lương Hòa, đô thị Cảng Long An, Long Đức Đông, Bình Phong Thạnh, Rạch Kiến, Mỹ Quý, Hậu Thạnh Đông).

– Năm 2025: có 25 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại II (Tân An), 4 đô thị loại III (Kiến Tường, Bến Lức, Hậu Nghĩa, Cần Giuộc), 8 đô thị loại IV (Đức Hòa, Cần Đước, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, đô thị Cảng Long An) và 12 đô thị loại V (Tân Trụ, Tầm Vu, Đông Thành, Hiệp Hòa, Mỹ Hạnh, Gò Đen, Lương Hòa, Long Đức Đông, Bình Phong Thạnh, Rạch Kiến, Mỹ Quý, Hậu Thạnh Đông).

– Năm 2030: có 25 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại I (Tân An), 1 đô thị loại II (Bến Lức), 3 đô thị loại III (Kiến Tường, Cần Giuộc, Hậu Nghĩa), 8 đô thị loại IV (Đức Hòa, đô thị Cảng Long An, Cần Đước, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng) và 12 đô thị loại V (Tân Trụ, Tầm Vu, Đông Thành, Hiệp Hòa, Mỹ Hạnh, Gò Đen, Lương Hòa, Long Đức Đông, Bình Phong Thạnh, Rạch Kiến, Mỹ Quý, Hậu Thạnh Đông).

Đa số các đô thị trên địa bàn tỉnh Long An đều có quy hoạch chung xây dựng được duyệt nhưng số lượng đô thị được lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa nhiều, đồng thời chưa có đô thị nào có thiết kế đô thị được duyệt. Hiện nay việc quản lý cấp giấy phép xây dựng chủ yếu căn cứ vào quy chế quản lý kiến trúc được duyệt, nhưng quy chế quản lý kiến trúc hiện nay chỉ quy định việc xây dựng nhà ở cặp theo các tuyến đường hiện hữu về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, chiều cao tầng, độ vươn ra của ban công… nhằm giải quyết tình thế trước mắt.

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

Để đô thị phát triển bền vững, đảm bảo mỹ quan, có định hướng, có bản sắc cần có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được duyệt để cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ làm căn cứ quản lý thực hiện. Do đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải đặt công tác quy hoạch đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Hàng năm, ngân sách địa phương cần phân bổ kinh phí hợp lý cho việc lập quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị.

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 25/2011/NQ-HĐND ngày 03/10/2011.

 Việc lập điều chỉnh chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh cho phù hợp với đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được phê duyệt và chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị cũng rất cần thiết. Qua đó đánh giá, xác định mức độ đạt được của từng đô thị, hạng mục, nội dung nào cần phải đầu tư bổ sung, đồng thời xây dựng kế hoạch và nguồn vốn hàng năm để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phân bổ (đối với công trình sử dụng vốn ngân sách) và xác định công trình, hạng mục cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư.


Xử lý nước thải cũng là vấn đề khó khăn chung của các đô thị ở Việt Nam, tất cả 17 đô thị của tỉnh Long An hiện nay chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải (ngoại trừ các dự án khu dân cư quy hoạch xây dựng mới có quy hoạch mạng lưới đường ống thu gom và trạm xử lý nước thải). Việc đầu tư xây dựng mạng lưới đường ống  và khu xử lý nước thải cho các đô thị, đặc biệt là các đô thị cũ cải tạo cần phải có nguồn kinh phí rất lớn, cần có sự hỗ trợ của Trung ương.

Nhiều tuyến đường trên các đô thị của tỉnh có mỹ quan chưa cao, tình trạng xây dựng nhà không thẳng hàng, tùy tiện về hình thức kiến trúc, lắp đặt bảng quảng cáo không phù hợp, xây dựng nhà tạm phía trước nhà chính vi phạm lộ giới xảy ra rất nhiều.

Do đó, trong thời gian tới bộ phận quản lý xây dựng cấp huyện và thanh tra xây dựng cần tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm xây dựng, kiên quyết tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm, đồng thời thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của nhà nước về quản lý trật tự  xây dựng để góp phần tạo bộ mặt khang trang cho các đô thị.

Đô thị tỉnh Long An muốn phát triển bền vững, lâu dài, đảm bảo mỹ quan, có bản sắc, trước hết rất cần có sự tham gia của toàn thể hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân có sự lãnh đạo và chỉ huy thống nhất.

Đồng thời các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chương trình phát triển đô thị cũng phải thật đồng bộ, để vừa định hướng phát triển, vừa có căn cứ quản lý, triển khai thực hiện những dự án cụ thể cấp thiết.
 

Theo Xuân Anh

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này