Đại gia săn đất vùng ven TP.HCM

Chỉ trong ba tháng, giá đất nền thổ cư ở khu vực gần phà Cát Lái đã có mức 6-15 triệu đồng/m² tùy vị trí, gần đường lộ giá 10-19 triệu đồng/m2, tăng 10%-15% so với cuối năm 2017.
Sau khi Chính phủ công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tháng 1-2018), bất động sản tại các tỉnh vùng ven TP.HCM đang được nhà đầu tư săn đón.


 

Đại gia săn đất vùng ven TP.HCM

 

Đất vùng giáp ranh bỗng có giá
Với điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì TP.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế, trung tâm tri thức, kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị khu vực Đông Nam Á. Theo quy hoạch, phạm vi vùng TP.HCM sẽ bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và bảy tỉnh lân cận là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.

Từ quy hoạch này cùng nhu cầu thực tế quỹ đất nội thành đang dần cạn kiệt, những ngày đầu năm 2018, thị trường đất nền tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ giá. Không chỉ những cá nhân đầu tư đơn lẻ mà các nhà đầu tư lớn đã tìm đến những khu vực lân cận này.

Hiện trong bảy tỉnh, thành trên thì hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai có phần hạ tầng giao thông hoàn thiện, sự kết nối giữa TP.HCM với hai tỉnh này đã có từ năm 2016 đến nay. Vì thế, trong đầu năm 2018, các dự án giãn dân đã lan dần tới các huyện Dĩ An (Bình Dương) hay Nhơn Trạch, Biên Hòa (Đồng Nai) thay vì chỉ tập trung ở khu vực quận 2, quận 9 (TP.HCM) như trước đây. 

Đại gia săn đất vùng ven TP.HCM

Giải cơn khát nhà ở các khu công nghiệp
Một trong những nguyên nhân gây sốt đất tại các khu vực này là bởi dù mặt bằng giá đất đã bị đẩy lên đáng kể nhưng vẫn chỉ bằng 20%-30% so với TP.HCM. Điều này phù hợp cho những người có vốn từ vài trăm triệu đến trên dưới 1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, thị trường vùng ven TP.HCM còn được hưởng lợi ở chính sách giãn dân tạo ra một cuộc ngược dòng phát triển dự án vùng ven. Đặc biệt, ở các khu vực này nhiều dự án chung cư, nhà phố xây sẵn phát triển chứ không chỉ đất nền. Từ làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đổ về các khu công nghiệp (KCN) sẽ kéo theo nhu cầu nhà ở dịch vụ không chỉ cho các chuyên gia, cấp quản lý mà còn cho công nhân địa phương mua hoặc thuê.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động trong các khu công nghiệp có nhà ở ổn định, 80% còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, chật hẹp. Giải pháp nhà ở tại KCN đã góp phần khiến cho thị phần nhà phố trở nên năng động hơn.

Từ thực tế trên, giới chuyên gia bất động sản tin rằng thị trường nhà đất vùng giáp ranh vẫn sẽ là điểm “nóng” đầu tư trong năm 2018.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiêm Chủ tịch Hội bất động sản Đồng Nai, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản ở Đồng Nai có dấu hiệu khởi sắc ở những nơi có hạ tầng giao thông phát triển và sắp được triển khai. Nhà đầu tư lại kéo nhau xuống các tỉnh giáp ranh TP.HCM để mua đất nền nhờ thông tin dự án cầu Cát Lái và sân bay quốc tế Long Thành đang được khởi động.

Chỉ trong ba tháng, giá đất nền thổ cư ở khu vực gần phà Cát Lái đã có mức 6-15 triệu đồng/m² tùy vị trí, gần đường lộ giá 10 -19 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng 10%-15% so với thời điểm cuối năm 2017”. 

 

Theo Cafeland
 

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này