UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đồ án quy hoạch chung thị trấn sinh thái Phúc THọ có tổng diện tích khoảng 945 ha, quy mô dân số là 41.000 người.
Quy hoạch chia Phúc Thọ thành 3 khu:
Khu 1 gồm phần diện tích thị trấn Phúc Thọ hiện hữu và một phần xã Trạch Mỹ Lộc. Tổng diện tích là hơn 300 ha.
Khu 2 gồm một phần diện tích các xã Phúc Hoà, Phụng Thượng, Đại Đồng. Tổng diện tích 259,8 ha.
Khu 3 gồm một phần diện tích các xã Phụng Thượng, Đại Đồng. Tổng diện tích đạt 385,5 ha.
Theo đó chức năng sử dụng đất chính trong quy hoạch chung thị trấn sinh thái Phúc Thọ là để xây dựng các công trình công cộng, đơn vị hành chính chợ, trung tâm thương mại, cây xanh, trường học, đất dành cho công nghiệp, giao thông…
Về không gian, thị trấn sinh thái Phúc Thọ được phát triển theo mô hình xương cá với trục quốc lộ 32 là trục "xương sống” của các đô thị, các lớp không gian theo các nhánh giao thông chủ chốt. Các trung tâm được bố trí bám dọc quốc lộ 32.
Theo quy hoạch, thị trấn sinh thái Phúc Thọ sẽ trở thành trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn huyện Phúc Thọ với các cơ sở công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với làng nghề, dịch vụ công cộng và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất khác, chuyển giao công nghệ và đào tạo.
Từ đó, tạo liên kết chặt chẽ với vùng nông nghiệp năng suất cao của Vĩnh Phúc ở phía Bắc.
Phát triển thị trấn còn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá địa phương, hài hoà với cảnh sắc tự nhiên.
Phát triển thị trấn dựa trên quốc lộ 32 và trục cảnh quan Bắc Nam dự kiến. Hạn chế sự phát triển lan toả, tránh tác động tiêu cực tới môi trường cảnh quan tự nhiên hiện có các vùng bảo tồn làng nghề, di tích lịch sử.
Tiếp đó là xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế,…của huyện Phúc Thọ tại khu vực thị trấn hiện hữu. Phát triển mở rộng thị trấn Phúc Thọ về phía Đông cùng hệ thống trung tâm thương mại, dịch vụ,…nhằm hình thành đô thị ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Hà Nội theo hướng đô thị sinh thái và phát triển bền vững.
Đồng thời, tiến hành bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Khai thác tối đa hệ thống cảnh quan, cây xanh, mặt nước hiện hữu nhằm đa dạng hoá cảnh quan đô thị, tạo không gian đặc trưng cho đô thị.
Theo NDH