Sau 12 ngày xảy ra thảm họa Carina, thị trường căn hộ chung cư diễn biến ra sao?

Một số nhà đầu tư cho biết những sự cố cháy chung cư liên tiếp xảy ra gần đây ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người sử dụng và người có ý định mua chung cư.


chung-cu

Theo đó, nhiều nhà đầu tư, sàn môi giới đã cho lùi thời gian mở bán 3-6 tháng tới, thay đổi chiến lược quảng bá…

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sau khi vụ cháy chung cư Carina và sau đó một chung cư tại quận 2 cũng bị cháy khiến tâm lý người mua nhà, nhất là người mua chung cư bị ảnh hưởng. Một số người thay vì chọn các chung cư để mua thì bắt đầu tạm dừng để chờ các thông tin liên quan, nhất là các thông tin liên quan đến đảm bảo PCCC.

Đặc biệt, thảm họa này đang tác động mạnh tới người mua, khi đối tượng này sẽ cân nhắc mua bất kỳ sản phẩm bất động sản nào khác, không riêng gì chung cư. Khách hàng sẽ để ý kỹ hơn đến hệ thống đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, kỹ thuật, chất lượng tại các dự án chung cư cũng như uy tín chủ đầu tư hơn.

Tại hội nghị Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM vào ngày 4/4, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng nói gì thì nói, vụ cháy chung cư Carina Plaza đang tác động đến tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Và thực tế là điều này đã tác động trực tiếp đến phân khúc thị trường căn hộ chung cư. Đã có hiện tượng thị trường phần nào bị chững lại trong 10 ngày qua. 

Bởi lẽ, theo ông Châu, sống trong chung cư là xu thế của toàn thế giới chứ không riêng tại Việt Nam. Tại Singapore, có đến 85% người dân sống trong chung cư. Và các nước châu Âu, Bắc Mỹ thì tỷ lệ cũng từ 60 – 70%. "Như vậy, sống tại chung cư không phải là rủi ro hơn sống nhà phố. Vì trong 1.000 vụ cháy thì tỷ lệ cháy chung cư chỉ chiếm rất nhỏ. Tuy nhiên, khi cháy chung cư có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng", ông Châu nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu HoREA cũng cho biết thêm thị trường cần ít nhất nhiều tháng nữa mới có thể đi vào ổn định, niềm tin người mua nhà sẽ quay trở lại một khi các chủ dự án biết thay đổi nhanh chóng những chiến lược đầu tư hiện nay để nâng cao mức sống an toàn cho cư dân.

Thật vậy, qua tìm hiểu thực tế nhiều ngày qua cho thấy, sau khi vụ cháy tại dự án Carina xảy ra vài ngày, một dự án trên địa bàn huyện Nhà Bè vẫn quyết định tổ chức lễ mở bán như dự kiến. Lượng khách hàng tham dự khá đông nhưng để "chốt" sản phẩm như mọi khi lực lượng nhân viên kinh doanh của công ty phải làm việc vất vả hơn rất nhiều. 

Theo lãnh đạo công ty, bên cạnh pháp lý dự án, vấn đề an toàn PCCC chung cư luôn được khách hàng đề cập. Phía công ty phải mang cả bản vẽ PCCC đã được cơ quan chức năng phê duyệt cho khách hàng xem thì họ mới đồng ý xuống tiền. 

"Trước đây phần lớn khách hàng lo lắng chủ yếu về vấn đề pháp lý dự án. Nhưng nay họ lo lắng về an toàn PCCC thấy rõ. Chúng tôi đã dự trù vấn đề này nên cũng đã chuẩn bị trước để giải thích với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng yêu cầu phải phải tận mắt thấy các biên bản phê duyệt PCCC của cơ quan có thẩm quyền họ mới tin", ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh, cho biết.

Theo kế hoạch, năm nay công ty này sẽ mở bán 12.000 căn hộ, trong quý 1 đang bán được 2.800 căn, tuy nhiên vì xảy ra vụ cháy nghiêm trọng nên chủ đầu tư lo ngại tốc độ bán hàng bị chậm lại.

Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam cũng cho biết, khách hàng đến mua có thắc mắc về PCCC, nhưng không có trường hợp nào đã nộp tiền cọc mua nhà mà phải hủy. Trong khi đó, qua tìm hiểu tại một số dự án vừa được mở bán sau Tết Âm lịch ở quận Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh… rất nhiều khách hàng đang xin được rút lại tiền cọc giữ chỗ, có người đành chấp nhận mất luôn tiền cọc theo quy định của sàn giao dịch.

Tương tự, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Q.2, Q.9, khách hàng có tâm lý thận trọng hơn khi giao dịch. Nhiều dự án trên địa bàn Q.2 cho khách hàng đăng ký giữ chỗ cách nay khoảng hai, ba tháng, nay đến giai đoạn mở bán nhiều khách có tâm lý chần chừ không xuống tiền. 

Khi chủ đầu tư chứng minh dự án đã được phê duyệt PCCC thì họ mới đồng ý xuống tiền cọc. Lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Q.2 thừa nhận: "Dù thị trường không có việc chững lại sau các vụ cháy, nhưng các nhân viên kinh doanh hiện nay phải làm việc vất vả hơn khi chào mời khách hàng mua căn hộ".

Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, từ sau khi xảy ra các vụ cháy chung cư đến nay, hầu hết các dự án bán "lúa non" khi chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt PCCC đều phải "thụt" lại, không dám đưa ra thị trường như trước đây.

Bên cạnh đó, tại một số dự án dù đã được phê duyệt hệ thống PCCC nhưng để tăng hiệu quả bán hàng, thay vì chỉ tập trung quảng cáo tiện ích dự án như trước đây thì nay được thay thế bằng "chiêu" tăng thêm… phương tiện chữa cháy. 


Nói về triển vọng của phân khúc chung cư trong tương lai, đại diện CBRE cho rằng, nguồn cung tương lai sẽ tiếp tục mở rộng ra các khu vực xa trung tâm hơn nhưng có kết nối giao thông thuận tiện. Về doanh số bán hàng, CBRE dự báo năm 2018 sẽ tăng khoảng 9% so với năm trước, đạt ngưỡng 28.000 căn và tập trung ở phân khúc trung cấp.

Đặc biệt, nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan tâm đến các dự án cao cấp ở khu trung tâm nhờ tiềm năng cho thuê tốt. Trong khi đó, người mua nhà để ở tập trung vào yếu tố an toàn, hệ thống PCCC, chất lượng sản phẩm và kết nối đến các tiện ích xung quanh.

"Có thể coi các vụ cháy chung cư vừa qua là hồi chuông cảnh báo đến những người liên quan để từ đó có động thái đầu tư cẩn trọng hơn, chủ đầu tư cần tuân thủ việc triển khai xây dựng dự án đúng quy trình, chuẩn chỉnh hơn không chỉ riêng với sản phẩm chung cư mà với tất cả các loại hình bất động sản khác", bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Việt Nam nói.

Giám đốc bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Việt Nam cho biết thêm, đây cũng chính là yếu tố làm phân hóa rõ rệt các sản phẩm chung cư khác nhau trên thị trường, phân hóa chủ đầu tư có năng lực, có uy tín, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà… với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật.
 

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này