Trong 10 tháng đầu năm 2018, TP.HCM có 56 dự án nhà ở mới đủ điều kiện huy động vốn với khoảng 19.160 căn (18.202 căn hộ và 958 căn nhà thấp tầng), tín hiệu tốt cho năm 2019.
Thị trường căn hộ sơ cấp sôi động
Trong tổng nguồn cung, phân khúc cao cấp có 7.444 căn (38,9%), phân khúc tầm trung chiếm 8.733 căn (45,6%) và phân khúc bình dân có tất cả 2.983 căn. Thị trường sơ cấp năm 2018 tập trung mạnh nhất vào phân khúc tầm trung và cao cấp, trong khi phân khúc bình dân luôn có nhu cầu rất cao thì chỉ chiếm 15,5%.
Khu vực chiếm sóng nhiều nhất tại TP.HCM năm nay là quận 2 với 8 dự án; quận 7 có 7 dự án; 6 dự án xây mới tại quận Gò Vấp; quận 9 ra mắt 5 dự án; các quận 8, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân đều có 4 dự án, huyện Bình Chánh có 3 dự án mới… Trong số này có rất nhiều dự án quy mô lớn và thu hút sự quan tâm, rót vốn của nhiều cư dân và nhà đầu tư bất động sản như dự án Đảo Kim Cương (P. An Phú, Q.2), VinCity quận 9 (P. Long Thạnh Mỹ, Q.9), Gem Riverside (P. An Phú, Q.2), Palm Garden (P. An Phú, Q.2)…
Nguồn vốn đầu tư bất động sản trong và ngoài nước dồi dào
Chỉ trong 10 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn (tính cả vốn thu hút dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước) lên đến 6,22 tỷ USD (cao hơn cùng kỳ 23,7%) – theo số liệu của Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM .
Thị trường đầu tư bất động sản năm 2018 có sự đóng góp rất lớn của nguồn vốn FDI. Có 819 dự án có vốn FDI được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Phần lớn số vốn này đến từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc (27,6%), Singapore (25%), Nhật Bản (11,3%), HongKong (5,6%)…
Tính riêng trong tháng 10 vừa qua, TP.HCM đã cho phép 2.508 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước lên đến 4,89 tỷ USD (tăng gấp đôi so với vùng kỳ). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 45,2% trong tổng số vốn này. Khá nổi bật trong phân khúc này là dự án The Centennial Ba Son của chủ đầu tư Alpha King Investment Limited (trụ sở tại Hồng Kông). Dự án này sở hữu vị trí đẹp, thoáng đãng dù thuộc khu vực trung tâm thành phố, toạ lạc tại ven sông Sài Gòn và mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh và có đa dạng sản phẩm như căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, shophouse, penthouse.
Động lực tăng trưởng thị trường đầu tư bất động sản năm 2019
Theo khảo sát thị trường, nhu cầu đầu tư để cho thuê căn hộ cao cấp phục vụ khách hàng ngoại quốc hiện vẫn rất cao, do đó tính thanh khoản của phân khúc này rất khả quan trong cuối năm 2018 và năm 2019. Căn hộ hạng sang hiện đang được mở bán với giá trên 7.000 USD/m2 và phân khúc cao cấp trên 160 triệu đồng/m2 cũng dự kiến chào hàng trong cuối năm nay. Mặt bằng chung giá căn hộ các phân khúc có thể tăng trưởng vì ảnh hưởng của phân khúc cao cấp.
Nhu cầu đối với căn hộ tầm trung và bình dân vẫn tăng nhẹ, tập trung ở những khu vực gần tuyến đường huyết mạch. Khu Đông và khu Nam Sài Gòn vẫn sẽ là điểm sôi động nhất của thị trường đầu tư bất động sản cả sơ cấp và thứ cấp trong thời gian tới.
Tuy đã gần hết năm nhưng một số dự án vẫn được dự kiến sẽ ra mắt trong cuối năm nay. Những dự án này có quy mô vừa phải (dưới 1000 căn) và tập trung tại vùng ven TP.HCM như quận 7, 8, Tân Phú, Thủ Đức.
Dự báo thị trường đầu tư bất động sản năm 2019
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) dự báo, thị trường đầu tư bất động sản năm 2019 vẫn giữ nhịp tăng trưởng. Phát triển mạnh nhất là loại hình căn hộ chung cư với phân khúc bình dân và trung cấp. Căn hộ cao cấp sẽ cạnh tranh với nhau bằng tiện ích, chất lượng, không gian, mật độ xây dựng và hệ thống PCCC. Nhu cầu thuê căn hộ để ở, thuê văn phòng làm việc, officetel (kết hợp ở và văn phòng) sẽ tăng cao hơn nhờ hoạt động công nghiệp phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động đổ về TP.HCM.
HoREA cũng dự đoán, trong 9 tháng đầu năm 2019, nguồn cung bất động sản TP.HCM sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thuê/mua, dẫn đến sự tăng giá của các loại hình bất động sản.
Hiện nay có 3 chủ trương tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của thị trường đầu tư bất động sản TP.HCM:
Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó có khoảng 60-70% được đảm bảo bằng dự án bất động sản để tái khởi động các dự án này tham gia thị trường.
Chủ trương của TP.HCM về chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/6/2018 của Chính phủ; Xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông; Chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ.
Chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế chính quyền điện tử, một cửa liên thông để rút ngắn thời gian chấp thuận dự án bất động sản. Hiện nay, thủ tục này và thủ tục, quy trình tính tiền sử dụng đất dự án, cấp sổ đỏ căn hộ dự án đang bị kéo dài.
Theo Thu Trang