Dù thời điểm hiện tại thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu chững lại nhưng không vì thế mà “làn sóng” thành lập các sàn giao dịch bất động sản yếu đi.
Anh D – Giám đốc một công ty quảng cáo, sự kiện tại TP Đà Nẵng cho biết công ty anh vừa thay đổi giấy phép kinh doanh và bổ sung một ngành nghề kinh doanh mới đó là ngành kinh doanh dịch vụ bất động sản.
“Trong thời buổi làm ăn ngày càng khó khăn như hiện nay thì bất động sản tự nhiên trở thành một ngành “hot”. Rất nhiều người bạn của tôi cũng đăng ký tham gia ngành này. Với lại, sau một thời gian chuyển sang làm bất động sản – dù chỉ là nghề tay trái nhưng tôi cũng kiếm được kha khá” – anh D cho biết
Theo khảo sát của Diễn đàn Doanh nghiệp, trên đường 2/9 – con đường được nhiều người mệnh danh là đường bất động sản tại Đà Nẵng thì chỉ từ vòng xoay Xô Viết Nghệ Tĩnh đến gần cầu Rồng dù chưa đầy 3km nhưng có khoảng 20 sàn giao dịch và doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động.
Đặc biệt, đoạn từ vòng xoay Xô Viết Nghệ Tĩnh đến ngã tư Phan Đăng Lưu – dù chưa đầy 300m nhưng có đến 6 sàn giao dịch nằm gần nhau. Và mới đây nhất, một doanh nghiệp bất động tại đoạn đường này cũng vừa được “khai sinh”, nâng con số doanh nghiệp có liên quan đến bất động sản tại đây lên con số 7.
Ra các vùng ven, thì nếu đường 2/9 là con đường tập trung các sàn giao dịch cũng như trụ sở chính của các công ty bất động sản thì đoạn đường Nguyễn Phước Lan (Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) lại là nơi tập trung dày đặc các điểm giao dịch bất động sản.
Theo khảo sát của phóng viên, trên đoạn đường này, trong khoảng cách gần 500m có đến hơn 40 văn phòng giao dịch dự án, văn phòng bất động sản – tính ra thì khoảng hơn 10m là có 1 văn phòng.
Và dù mang tiếng là văn phòng nhưng thực tế, đa phần đây chỉ là căn phòng dựng tạm trên vỉa hè dẫn vào các dự án, phía trên lợp tôn, phía dưới vừa đủ kê một cái bàn, một máy tính xách tay và vài ba cái ghế làm văn phòng, trung tâm giao dịch…
Nhận xét về trào lưu thành lập sàn giao dịch trong thời gian qua, nhiều người cùng có chung nhận định trong năm 2017 và đầu 2018, thị trường bất động sản sôi động, lượng mua bán giao dịch tăng đột biến nên để đáp ứng nguồn cầu này, nhiều sàn giao dịch, trung tâm môi giới được thành lập.
“Kẻ mua, người bán tấp nập nên việc các sàn giao dịch, các trung tâm môi giới nở rộ cũng là theo quy luật. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do đó mà nhiều sàn giao dịch bất độn gsarn mang danh "sàn" nhưng thực chất chỉ là vỏ bọc bên ngoài, nhiều nhân viên của sàn giao dịch đứng tại sàn chỉ để cò mồi, ăn phần trăm số tiền mua bán được.
Đó là khi thị trường sôi động. Còn lý do vì sao thị trường trầm lắng như hiện nay mà cuộc đua thành lập sàn vẫn không dừng?
Anh D – chủ doanh nghiệp bất động sản vừa nhắc đến ở trên giải thích lý do mặc dù thị trường đang ảm đạm, nhưng không phải là không có cơ hội – đặc biệt là với những phân khúc “ngách” như nhà phố, đất ven biển…
“Chúng tôi nghĩ việc thị trường trầm lắng như hiện nay chỉ là nhất thời nên việc lập sàn giao dịch nhằm đón bắt cơ hội khi thị trường hồi phục. Thị trường càng phát triển thì càng cần nhiều sàn giao dịch. Vậy nên ai có sự chuẩn bị sớm hơn sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn”, anh D. nói.
Theo Enternews