Tháng 2/2018, Nghị quyết thành lập TP. Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Đây được xem là "cú huých" giúp thị trường bất động sản tại đây sôi động trở lại sau nhiều năm trầm lắng.
Từ lâu Phúc Yên được coi là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc, do nằm ngay cửa ngõ phía Đông, cách Hà Nội gần 40km, với hệ thống giao thông đa dạng như tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 23, tuyến đường xuyên Á Hà Nội – Lào Cai cắt ngang qua địa phận. Đồng thời, Phúc Yên còn giáp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, được xác định như là một trong những đô thị vệ tinh của Vùng Thủ đô.
Với sự có mặt của hàng loạt nhà máy sản xuất công nghiệp lớn như Honda, Toyota, Nagakawa,… cùng hơn 90 di tích lịch sử, văn hóa, từ năm 2004 – 2005, thị trường bất động sản Phúc Yên từng được kỳ vọng sẽ vươn mình trở thành một trong những thị trường đáng chú ý nhất tại miền Bắc.
Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, do một phần công tác quy hoạch các dự án thiếu chiều sâu, thiếu tính hợp lý, chưa tận dụng được ưu thế vùng, cùng một số chính sách hạ tầng chưa thực sự "mở"… đã hạn chế tiềm năng phát triển của các dự án bất động sản tại đây.
Mặt khác, ảnh hưởng của 2 đợt "bong bóng" nhà đất dẫn đến sự giảm sút nhu cầu đầu tư của thị trường này. Một số dự án như Khu đô thị Đồng Sơn, Khu đô thị mới phường Trưng Nhị, Khu đô thị Hùng Vương, Đầm Vạc… đã nhanh chóng nguội lạnh sau giai đoạn đầu triển khai thành công.
Đến cuối giai đoạn năm 2014 – 2015, khi khung pháp lý về thị trường bất động sản được hoàn thiện theo hướng mở rộng và thông thoáng hơn, cùng với việc các quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, Phúc Yên nói riêng dần được hoàn thiện, thị trường này mới bắt đầu có sự sôi động trở lại. Nhất là khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết nâng Phúc Yên từ thị xã lên thành phố từ tháng 2/2018, các giao dịch đất nền, nhà liền thổ hay nhà phố tại đây đều trở nên "nóng sốt".
Mặc dù chưa có số liệu khảo sát chính thức, song lãnh đạo một số sàn giao dịch bất động sản tại khu vực này cho biết, sau khi có thông tin về việc chính thức lên thành phố, giá nhiều căn nhà phố với vị trí đẹp, cạnh mặt đường quốc lộ hoặc trung tâm TP. Phúc Yên đã tăng 20-30%, thậm chí tăng đến 50% so với 2 năm về trước tùy theo diện tích, loại hình nhà (cấp 4, 2 tầng hay 3 tầng). Các loại hình nhà phố khác giá cũng tăng từ 5-10%.
Tuy chưa lấy lại được mức giá so với thời kỳ cao điểm 10 năm về trước, nhưng các dự án khu đô thị như Đồng Sơn, Hùng Vương, Trưng Nhị… cũng đã dần bắt nhịp trở lại với mức tăng giá 1-2 triệu đồng/m2.
Tại dự án đô thị mới TMS Grand Phúc Yên (ra mắt hồi cuối tháng 3 vừa qua), với mức giá từ 10-13 triệu đồng/m2, nhiều lô liền kề và nhà phố thương mại đã có mức chênh từ 100-300 triệu đồng/lô, tuỳ vị trí. Theo dại diện Cenland, đơn vị phân phối dự án, sau giai đoạn 1 mở bán với lượng thanh khoản tốt, đơn vị sẽ sớm mở bán giai đoạn 2 khi sức cầu đối với thị trường này đang tăng lên.
Hay dự án Khu đô thị mới Xuân Hòa do Công ty CP Đầu tư xây dựng Hoài Nam làm chủ đầu tư, mặc dù cuối quý II/2018 mới ra hàng với mức giá dao động từ 6,1-10 triệu đồng/m2, song hiện đã được nhiều khách hàng liên hệ đặt cọc. Chủ đầu tư cũng cho biết, hiện dự án đã hoàn thiện toàn bộ hạ tầng giao thông và kỹ thuật.
Ông Đỗ Xuân Hiệu, Tổng giám đốc Sàn giao dịch Bắc Thái đánh giá, thị trường bất động sản Vĩnh Phúc nói chung, Phúc Yên nói riêng đang có nhiều cơ hội hồi phục trở lại sau giai đoạn trầm lắng, khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đầu tư. Đồng thời, với nhiều chính sách mở cửa cùng vị trí thuận lợi, thị trường này cũng đang trở thành "đích ngắm" của những doanh nghiệp ngoại về đây đặt nhà máy sản xuất. Đây sẽ là cú huých quan trọng cho thị trường bất động sản Phúc Yên tăng trưởng.
Tuy nhiên, ông Hiệu cũng lưu ý, sức nóng của thị trường này vẫn chưa thực sự rõ ràng và cần thêm thời gian để xác định. Do đó, nhà đầu tư cần chú ý, lựa chọn những dự án pháp lý đầy đủ, rõ ràng, có tiềm năng thực sự để đầu tư, tránh "ôm" phải dự án chưa được quy hoạch, dự án treo,…
Theo Đầu tư Bất động sản