Trong ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến thành lập, Phú Quốc đã thiết lập nền tảng tốt hơn Vân Đồn và Bắc Vân Phong.
Vốn ngân sách đầu tư hạ tầng lớn nhất
So với Vân Đồn và Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhận được nguồn vốn ngân sách lớn nhất để phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong giai đoạn 2005-2016, đã có 25.460 tỷ đồng đồng vốn ngân sách nhà nước được đầu tư để xây dựng các dự án hạ tầng trọng điểm trên đảo. Trong khi đó, vốn ngân sách dành cho khu vực Bắc Vân Phong giai đoạn 2005-2017 chỉ khoảng 1.900 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở Vân Đồn cũng nghèo nàn.
Cho đến nay, Phú Quốc đã có một số công trình đưa vào sử dụng như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, đường cáp điện ngầm xuyên biển, trục giao thông chính Bắc Nam, đường vòng quanh đảo và các tuyến đường nhánh.
Các công trình được tiếp tục đầu tư bao gồm nhà máy xử lý rác thải, hệ thống cung cấp điện lưới quốc gia mạch 2, cảng hành khách quốc tế, mở rộng công suất sân bay gấp đôi lên 5 triệu lượt hành khách/năm.
Dự án hạ tầng đáng chú ý nhất là cảng hàng không quốc tế mới trở thành đòn bẩy cho Phú Quốc và cũng là lợi thế của Phú Quốc so với đặc khu Vân Đồn và Bắc Vân Phong. Sân bay Vân Đồn vẫn đang trong quá trình xây dựng và ít nhất nửa năm nữa mới có thể đi vào hoạt động.
Đặc khu Bắc Vân Phong cách sân bay Cam Ranh tới 70km nên di chuyển khá xa. Trong khi đó, sân bay Phú Quốc nằm ở trung tâm đảo, và kể từ khi khai trương giai đoạn I năm 2012 đã tạo nên sự bùng nổ về khách du lịch.
Hiện tại, sân bay Phú Quốc đón trung bình 30 chuyến bay mỗi ngày từ 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar và đường bay quốc tế từ Quảng Châu (Trung Quốc), Stokhom (Thuỵ Điển) bay thuê chuyến. Mới đây, Bangkok Airways đã khai trương đường bay từ Bangkok đến Phú Quốc.
Phú Quốc đã thu hút nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế trong khi Vân Đồn và Bắc Vân Phong chưa có gì
Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc cũng đang trong quá trình xây dựng và khi hoàn thành có thể đón tàu du lịch công suất 4.000-5.000 hành khách.
Với vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách các trung tâm du lịch lớn ở Đông Nam Á từ 1-2 giờ bay, lại có 150km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, nắng ấm quanh năm, không có bão, hệ thống rừng nguyên sinh phong phú nên từ lâu Phú Quốc đã “lọt mắt xanh” của các nhà đầu tư.
Thu hút vốn đầu tư nhiều nhất
Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, Phú Quốc cũng có sức hút với nhà đầu tư mạnh hơn so với Bắc Vân Phong và Vân Đồn.
Bắc Vân Phong cũng tập trung phát triển du lịch nhưng chưa có dự án đầu tư lớn mà chỉ có những dự án về công nghiệp. Đến tháng 9/2017, khu vực Bắc Vân Phong mới thu hút 35 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư 421 triệu USD. Còn trên toàn khu kinh tế Vân Phong đã thu hút 156 dự án với 8,3 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có hai dự án đang thoả thuận là nhà máy điện và tổ hợp hoá dầu có vốn đăng ký 6,8 tỷ USD.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, cho đến nay đã thu hút 265 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tưvà quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 7.235ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 218 nghìn tỷ đồng.
(Theo Khám Phá).