Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam vừa có kiến nghị TP.HCM nên mở rộng không gian đô thị về phía tỉnh Long An, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức.
Hạ tầng giao thông đi trước một bước:
Theo GS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TP.HCM có ý nghĩa lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội nên nghiên cứu quy hoạch vùng để gắn kết là rất quan trọng. TP.HCM có không gian phong phú vì vậy không thể tách để nghiên cứu riêng mà phải đồng bộ với quy hoạch chung, quy hoạch vùng.
KTS Chính cũng cho rằng qua nghiên cứu, nếu vùng đô thị này được mở rộng, TP.HCM sẽ có thêm tổng diện tích khoảng 48.000-50.000 ha, dân số khoảng 37-42 vạn người. Như vậy, diện tích TP.HCM sẽ tăng lên thêm khoảng 50 km2.
Một số ý kiến từ phía chuyên gia quy hoạch khác cho thấy đến nay, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030 và cũng đã sẵn sàng cho việc đón làn sóng đầu tư từ TP.HCM lan toả đến. Cụ thể, quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, cảng thủy nội địa, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến Quốc lộ N1, N2, 14C…
Trong đó, xương sống mạng lưới đường bộ tỉnh Long An gồm các tuyến cao tốc và 4 tuyến quốc lộ. Điển hình như tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương đã đưa vào khai thác, Quốc lộ 1A hoàn thành đầu tư mở rộng, còn dự án Quốc lộ N2 đã hoàn thành xây dựng đoạn Đức Hòa-Mỹ An, tuyến Quốc lộ N1 đang trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Theo quy hoạch, tuyến N2 đóng vai trò trục mới của vùng ĐBSCL, với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TPHCM) đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Và 2 tuyến Quốc lộ 50 và 62 từng bước được duy tu, nâng cấp. Bên cạnh cao tốc TPHCM-Trung Lương, Long An còn có tuyến cao tốc khác là Bến Lức – Long Thành đang được thi công xây dựng. Dự án này sẽ kết nối địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM, kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc với quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, cảng Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong khi đó, dự án đường cao tốc Bến Lức-Hiệp Phước đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Quan trọng hơn hết, mới đây, TP.HCM vừa làm việc với các tỉnh, thành trong vùng về việc điều chỉnh lại hướng tuyến xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, có tổng vốn đầu tư đến 5 tỷ USD. Tuyến đường sắt này đi qua địa bàn TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Theo đó, đối với địa phận TPHCM, UBND TP.HCM đề nghị giữ nguyên hướng tuyến từ ga lập tàu An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM; từ ga Tân Kiên, tuyến đi song song đường Tân Tạo – Chợ Đệm, tuyến vượt qua Rạch Tam, sông Chợ Đệm và nút giao Chợ Đệm của dự án đường bộ cao tốc TPHCM – Trung Lương, tuyến rẽ phải và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Đối với địa phận tỉnh Long An, tuyến tiếp tục đi trên cao song song tuyến đường bộ cao tốc TPHCM – Trung Lương, vào ga Thanh Phú (là ga kết nối với nhánh đường sắt ra cảng Hiệp Phước), tuyến đi trên cao vượt qua nút giao Bến Lức và sông Vàm cỏ Đông. Tuyến tiếp tục đi vượt qua khu vui chơi giải trí Happy Land và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc vào ga Tân An. Ra khỏi ga Tân An, tuyến vượt qua sông Vàm cỏ Tây, Quốc lộ 62 và đi hết địa phận tỉnh Long An.
Nhiều dự án đón đầu
Có lẽ đề xuất mở rộng vùng đô thị trên vẫn còn nhiều thời gian để bàn tính, tuy nhiên, ở góc độ thực tế cho thấy, trong những năm qua, thị trường bất động sản phía Nam đã chứng kiến làn sóng giãn dân đô thị từ TP.HCM sang các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An khá mạnh mẽ. Trong đó, Bình Dương và Đồng Nai có vẻ như đi trước một bước, Long An đi sau nhưng đang trở thành tâm điểm nhận được sự chú ý đặc biệt của cả thị trường phía Nam nhờ lợi thế giá còn “mềm” chính sách phát triển hạ tầng ngày càng đồng bộ.
Đặc biệt, nắm bắt trước việc hệ thống hạ tầng giao thông đang được đầu tư khép kín, từ 2 năm trở lại đây Long An đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Tập đoàn Nam Long, Vingroup, Phú An Thạnh, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao…
Theo tìm hiểu, trong thời gian tới cùng với sứ góp mặt của những tên tuổi lớn như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Vingroup, Trường Hải, Nguyễn Kim, T&T với nhiều dự án khu đô thị rộng hàng trăm hecta… được dự báo sẽ khiến thị trường BĐS Long An ngày càng sôi động.
Hay tại huyện Bến Lức, Công ty SeaHoldings hiện cũng đang phát triển một dự án với tên gọi Lago Centro. Dự án rộng 13ha với 700 lô nền nhà phố thương mại, nhà liên kế và biệt thự song lập. Tại huyện Long Hậu, Công ty BĐS Danh Khôi (DKR) cũng công bố dự án Long Hậu Riverside với quy mô hơn 20ha… Hay mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã xin tỉnh Long An được đầu tư xây dựng đặc khu kinh tế tại địa phương.
Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, cho rằng thị trường BĐS TP.HCM đang khan hiếm nguồn cung cục bộ. Hơn nữa, vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP.HCM là thời gian tạo lập dự án khá dài, mất 3-5 năm để có được đất sạch, đầy đủ pháp lý, sẵn sàng đưa ra thị trường.
"Trong suốt chu kỳ chờ đợi dự án đủ điều kiện mở bán, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực như mất đi chi phí cơ hội vì dòng vốn bị chôn trong dự án chưa thành phẩm. Trong khi đó, Long An giải quyết vấn đề pháp lý dự án khá nhanh", ông Chánh nói thêm.
Một vấn đề khác, do gần đây nhiều dự án tại Long An bị siết chặt, dẫn đến thực tế nguồn cung sản phẩm bất động sản hoàn thiện pháp lý đang dần trở nên khan hiếm nên thực tế thị trường vẫn đang diễn ra làn sóng ngầm về sự tăng giá. Nhiều dự án đất nền sổ đỏ, hạ tầng được đầu tư tốt vẫn âm thầm tăng giữa các giai đoạn, mức tăng cao nhất có thể lên đến 30% – 40% trong vòng 6 – 12 tháng qua.
Theo Nam Phong