Các tuyến đường nối với TP.HCM và các trung tâm logistics các tỉnh Đông Nam Bộ trở nên nhỏ hẹp so với lượng xe “khủng” qua đây mỗi ngày, mặc dù tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị diễn ra nhanh. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đang bắt tay nhau triển khai đồng loạt nhiều dự án giao thông kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới cho các nhà đầu tư khu vực này.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện hạ tầng giao thông là “điểm nghẽn” lớn nhất, khiến việc bứt phá của toàn vùng có phần chững lại so với trước đây. Để có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước, vùng Đông Nam bộ cần thêm lực từ các cơ quan hữu quan, nhất là ngành giao thông – vận tải.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, hiện công tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn TP.HCM kết nối trực tiếp với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính vẫn là tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và các dự án đã xác định nguồn vốn vẫn chậm hoàn thành do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, theo quy hoạch TP.HCM có 6 tuyến cao tốc nhưng hiện đã đầu tư 3 tuyến gồm: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành, còn 3 tuyến chưa có chủ trương đầu tư gồm Biên Hòa – Vũng Tàu, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, TP.HCM – Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
Trong khi đó, các tuyến QL 22, QL 50 nối TP.HCM với Tây Ninh, Long An, Tiền Giang… chậm mở rộng nên đã kẹt cứng. Còn tuyến QL 1A qua TP.HCM nối về miền Đông Nam Bộ cũng quá tải. Vì vậy, sắp tới Bộ GTVT sẽ phối hợp với TP.HCM để có giải pháp khắc phục những hạn chế.
Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai (Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4) với tổng chiều dài khoảng 351 km. Nhưng hiện nay, Vành đai 2 với chiều dài khoảng 64,0 km nhưng mới đầu tư được 54,6km. Vành đai 3, Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư và TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất phối hợp đầu tư theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; tuyến Vành đai 4 hiện chưa xác định nguồn vốn đầu tư…
Theo ông Bùi Xuân Cường, các địa phương cùng phối hợp xây dựng hoàn thành tuyến đường vành đai 3 sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông đáng kể cho các tuyến đường chính, và quốc lộ trong vùng, đặc biệt rất thuận tiện cho kết nối giao thương.
Lãnh đạo Sở Giao thông – vận tải Đồng Nai cũng cho biết dự kiến trong cuối năm nay Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kiến nghị Bộ GTVT sẽ thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng cho phép lập phương án phối hợp, chuyển đổi nguồn vốn và chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư để xây dựng đường vành đai 3.
Theo đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP.HCM) đến TL 25B tại thị trấn Hiệp Phước, trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km. Dự kiến cuối năm nay hoặc trong quý 1/2019 sẽ khởi công trước đoạn 1A từ đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến đường 25B. Đây là đoạn sử dụng vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), đoạn 1B được đầu tư theo hình thức BOT sẽ đầu tư sau.
Đoạn 1A dài gần 9km, trong đó 2km nằm trên địa phận TP.HCM, còn lại nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Tuyến đường được thiết kế xây dựng mặt đường rộng hơn 20m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm 190 triệu USD (tương đương 4.180 tỷ đồng) vay từ EDCF và gần 1.150 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam, trong đó tiền của tỉnh chi trả cho giải phóng mặt bằng trên 470 tỷ đồng.
Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho hay huyện đang gấp rút công tác giải phóng mặt bằng để kịp bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư. Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, hiện tại tuyến đường 25B mở rộng đã hoàn thành nên việc đầu tư kết nối với đường vành đai 3 là khá thuận tiện.
Đoạn Vành Đai 3 từ TL 25B (Nhơn Trạch) – TP.HCM được đầu tư xong sẽ hình thành mạch nối thông suốt TP.HCM – Đồng Nai – Bình Dương. Không chỉ thuận lợi cho di chuyển, quãng đường được rút ngắn sẽ tạo đòn bẩy giúp Nhơn Trạch phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh tuyến đường Vành đai 3, Nhơn Trạch cũng đang đón nhận và được hưởng lợi từ nhiều công trình giao thông trọng điểm như cầu Cát Lái (nối Nhơn Trạch với TP.HCM, dự kiến hoàn thành trước năm 2020), sân bay Quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành), dự án tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án tuyến cao tốc Dầu Giây – Vũng Tàu…
Ngoài ra, hiện nay, Nhơn Trạch cũng sắp đón một dự án giao thông liên kết vùng "khủng" khác. Đó là dự án xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuyến đường đi song song bên phải tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và có lộ trình đi qua Nhơn Trạch. Trong tương lai, tuyến đường sắt này sẽ trở thành một trong những điểm kết nối trọng điểm và xuyên suốt của toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam, sẽ tiếp tục được đầu tư kéo dài từ TP.HCM đến TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và TP. Cần Thơ.
Khởi động đầu tư hàng loạt tuyến đường kết nối 3 tỉnh Vùng Đông Nam Bộ, thị trường địa ốc liệu có xu hướng dịch chuyển?
Đối với các dự án giao thông kết nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2018 TP.HCM cho biết đang bắt tay cùng Bình Dương tiến hành đầu tư xây dựng mở rộng tuyến Quốc lộ 13 lên 10 làn xe. Được biết, tuyến đường này được xem là điểm nghẽn cho liên kết vùng của các địa phương.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang, đã, sẽ đến đầu tư ở Bình Dương và với cả người dân Bình Dương đang chờ đợi quyết sách mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Quyết sách đó là tỉnh cần mạnh dạn quyết định sớm đầu tư, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn càng nhanh càng tốt để tương xứng với tiến trình Bình Dương tiến lên trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Song song đó, UBND tỉnh Bình Dương vừa chấp thuận đầu tư dự án Đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài đoạn từ ĐT.743 (qua khu dệt may Bình An, Bình Dương) đến xa lộ Hà Nội (Thủ Đức, TP.HCM). Hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, chủ đầu tư đang triển khai công tác đền bù giải tỏa, phương án tái định cư.
Bên cạnh đó, việc TP.HCM quyết định kéo dài tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiến tới thẳng tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, cũng sẽ tạo cú hích mới cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt thị trường bất động sản Bình Dương sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới.
Một chuyên gia nghiên cứu của công ty TNHH CBRE Việt Nam khẳng định rằng vùng tứ giác BĐS mới tại những khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành sẽ được xây dựng trong tương lai chắc chắn có thật. Mặc dù, theo kế hoạch dự kiến đến năm 2025 giai đoạn 1 của dự án mới được đưa vào vận hành thương mại, nhưng trong hơn 2 năm trở lại đây thị trường BĐS các khu vực này đang bước vào một cuộc cạnh tranh rất gay gắt.
Theo đó, vùng tứ giác BĐS mới này bao gồm Long Thành – Nhơn Trạch – Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An – Thủ Dầu Một (Bình Dương) và quận 2, 9, Thủ Đức (Tp.HCM) và một phần tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là khu vực có tốc độ phát triển đầu tư các dự án BĐS ở nhiều phân khúc lớn nhỏ sôi động nhất tại phía Nam trong thời gian tới.
Theo Nam Phong