Đây là thông tin được ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra tại hội thảo “Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản” diễn ra mới đây tại TP.HCM.
Toàn cảnh hội thảo
Ông Châu cho biết, năm 2019 rơi vào đúng vào chu kỳ 10 năm của lần khủng hoảng trước đó (lĩnh vực kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng), tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy chu kỳ này khó lặp lại, nhất là thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng, năm 2007 giới bất động sản hồ hởi lạc quan bởi những tín hiệu tốt từ thị trường nhưng sau đó Chính phủ siết chặt tín dụng, thị trường từ đỉnh cao đột ngột lao dốc. Năm 2009, doanh nghiệp bất động sản thực tế phải vay với lãi suất hơn 21%. Sau đó Ngân hàng Nhà nước có lộ trình giảm dần lãi suất cơ bản và đến 2010 lãi suất cho vay còn khoảng 15%.
Tháng 2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản đóng băng trở lại. Tháng 12/2011, Chính phủ dùng gói kích cầu bất động sản bằng gói 30.000 tỷ đồng trong 3 năm. Chính sách này góp phần trực tiếp phục hồi thị trường bất động sản từ cuối 2013 đến nay.
Đến năm 2015, thị trường phát triển đến đỉnh cao với việc mua bán cực kỳ sôi động. Năm 2016 thị trường lại sụt giảm và 2017 có sự phục hồi nhẹ.
Nhưng 6 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM thì nguồn cung sụt giảm từ 30 – 60% tùy phân khúc thị trường. Đó là phân khúc nhà ở cao cấp, trung cấp. Phân khúc cao cấp vẫn chiếm 40-41% thị trường. Cấu trúc thị trường này chưa bền vững do thiếu sản phẩm ở phân khúc trung bình thấp, vừa túi tiền của nhiều người.
Tuy nhiên cũng theo HoREA thì bong bóng bất động sản chỉ xảy ra khi hội đủ một số điều kiện. Thứ nhất là kinh tế phát triển nóng, dễ kiếm tiền và ai cũng muốn tìm nơi trú ẩn cho đồng tiền của mình. Nhưng kinh tế thế giới hiện nay không nóng và kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi. Tăng trưởng tín dụng 2017 chỉ hơn 6% trong khi 2009 tăng gần 9%.
Thứ hai là sự buông lỏng về chính sách tín dụng. Năm 2006-2007, Việt Nam cũng buông lỏng tín dụng, tăng trưởng tín dụng lên 37,8%. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tăng trưởng tín dụng thận trọng, kiềm chế. Không có chuyện buông lỏng tín dụng, không có chuyện ngân hàng cho vay dưới chuẩn.
Thứ ba, lệch pha cung cầu là có nhưng chưa đến mức độ phá vỡ sự cân bằng trên thị trường bất động sản.
Thứ tư, có sự gia tăng của nhà đầu tư thứ cấp và đầu cơ, thậm chí 80-90% là những nhà đầu tư mua đi bán lại ở phân khúc đất nền và condotel nhưng cũng chưa đủ để tạo nên bong bóng thị trường bất động sản.
“Nếu Nhà nước thiếu sự can thiệp nhưng gần đây đã có nhiều chỉ đạo và các công cụ điều chỉnh thị trường rất rõ vì vậy không thể có bong bóng xảy ra trong năm 2018, 2019” – Chủ tịch HoREA khẳng định.
Theo Enternews