Hạ tầng giao thông tại Long An đang chuyển mình mạnh mẽ, liệu thị trường BĐS có sôi động?

Theo nhận định của người dân cũng như các nhà đầu tư đóng trên địa bàn tỉnh, chưa bao giờ hạ tầng giao thông của Long An được đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Đây chính là "đường băng" giúp địa phương này sớm cất cánh và luôn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 


Ông Phạm Văn Cảnh – Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) tỉnh Long An cho biết, trong hơn 5 năm qua mỗi công trình giao thông khi được chọn thực hiện luôn đặt mục tiêu tận dụng những thuận lợi từ việc phát triển hạ tầng phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương. Hầu hết các công trình giao thông hiện nay đã kết nối liên hoàn, thống nhất, là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH trong tỉnh, nhất là phát triển trên lĩnh vực công nghiệp.

Trong những năm qua, một số tuyến đường như: Cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cao tốc Bến Lức – Long Thành, QL 1, N2, QL50, tuyến hành lang đường thủy số 2,… qua địa bàn tỉnh được Trung ương đầu tư xây dựng. Ngoài việc xây mới, một số tuyến được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương giữa các tỉnh với nhau, từ đó, mối liên kết vùng được kết nối, phát triển.

Ông Cảnh cho biết thêm, từ lâu, tuyến QL1 qua địa bàn trở thành con đường huyết mạch, gắn kết Long An với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Tuyến QL1 ngày nay được mở rộng, các cầu trên tuyến này cũng được sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân các tỉnh. Ngoài ra, tuyến tránh QL1 đoạn qua TP.Tân An được xây dựng cũng đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, liên kết vùng.

Bên cạnh tuyến QL1, QL50 có vai trò vô cùng quan trọng, là nơi kết nối TP.HCM qua các huyện phía Đông của tỉnh Long An, Tiền Giang với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Tuyến đường có tổng chiều dài gần 90km, được nâng cấp, mở rộng trong nhiều năm qua. Ngoài ra, việc khánh thành cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ giúp thông tuyến QL50, từ đó, việc giao thương, buôn bán của người dân trong tỉnh với các tỉnh khác dễ dàng hơn so với trước đây.

Tại huyện Đức Hòa, các tuyến Đường tỉnh (ĐT): 824, 825 sẽ được cải tạo, nâng cấp để việc trao đổi, vận chuyển hàng hóa đến TP.HCM và ngược lại thuận lợi, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo mối liên kết vùng với TP.HCM.

Tuyến ĐT824 sẽ được cải tạo, nâng cấp mặt đường đoạn Km12+000 (ngã ba Mỹ Hạnh) đến Km15+200 (cuối tuyến) với vận tốc thiết kế 60km/h, tải trọng 12 tấn với tổng mức vốn khoảng 71 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, bắt đầu thực hiện trong năm 2016 và hoàn thành vào năm 2018. Còn tuyến ĐT825 sẽ được nâng cấp (từ Km0+942 đến Km3+676), đoạn từ đường Hải Sơn-Tân Đức đến Cầu Xáng với mức vốn trên 55 tỉ đồng, khoảng tháng 7-2016 sẽ khởi công công trình.

Trong đó đáng chú ý, tuyến ĐT830 từ huyện Đức Hòa đến cảng Long An (huyện Cần Giuộc) đang được tỉnh triển khai thực hiện. Đây là tuyến đường quan trọng qua các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh và kết nối vùng. Tuyến ĐT830 gồm 3 đoạn: Đoạn 1 từ huyện Đức Hòa đến Bến Lức, đoạn 2 từ huyện Bến Lức đến QL50, đoạn 3 từ QL50 đến cảng Long An (huyện Cần Giuộc) với tổng chiều dài khoảng 55km, với tổng mức đầu tư trên 626 tỉ đồng.

Ngoài ra,tỉnh Long An cũng đã công bố 4 dự án sẽ được đầu tư xây dựng tại Long An với số vốn lên tới 14.300 tỷ đồng và 2,5 tỷ USD. Những dự án gồm Dự án Trục giao thông Tiền Giang – Long An – TP.HCM với vốn đầu tư 230 triệu USD theo hình thức PPP do liên doanh Qeenland (Hồng Kông) – Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư; Dự án Cụm công nghiệp Mekong, tổng vấn đầu tư 2,5 tỷ USD do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Mekong làm chủ đầu tư.

Dự án đường Vành đai TP. Tân An theo hình thức PPP do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng; Dự án trục giao thông kết nối với đường Mai Bá Hương (TP.HCM), đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn 2 huyện Bến Lức và Đức Hòa, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông đang thay đổi mạnh mẽ được xem như lợi thế lớn để thị trường bất động sản tỉnh Long An phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Hiện tại, Long An đã có rất nhiều dự án lớn, từ 300 ha đến trên 1.000 ha, được chủ đầu tư thực hiện, như dự án khu đô thị sinh thái Nam Long tại Bến Lức với trên 380 ha, dự án Khu đô thị Sinh thái Năm Sao của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao tại Cần Giuộc có diện tích quy hoạch trên 419 ha, dự án Happy Land của Khang Thông với diện tích trên 1.200 ha… Các dự án này đang trở thành những điểm nhấn quan trọng của thị trường bất động sản Long An.

Một chuyên gia địa ốc độc lập cho rằng căn cứ vào tình hình thị trường cũng như những định hướng phát triển trong tương lai, đặc biệt là trên cơ sở đồ án quy hoạch vùng 2020-2050, có thể nhận định từ năm 2017, thị trường bất động sản ở Long An sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ. Theo đồ án này, vùng TP.HCM sẽ gồm 8 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang với TP.HCM là hạt nhân.

Với quy hoạch đó, những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như hàng loạt tuyến vành đai và đường xuyên tâm kết nối từ trung tâm thành phố tới các quốc lộ, cũng như những tuyến kết nối giữa các tỉnh, thành sẽ dần được hình thành.

>>> Xem thêm thông tin, cơ hội đầu tư tại Đất nền Đức Hòa giá rẻ

Nguyên Minh

Theo Trí thức trẻ

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này