Vốn ngoại vào bất động sản tiếp tục tăng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực bất động sản.


Vốn ngoại vào bất động sản tiếp tục tăng


Cụ thể FDI vào bất động sản đạt 623,3 triệu USD vốn đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2018, chiếm 13,4% tổng vốn FDI, trong khi cùng kỳ năm 2017 chỉ chiếm khoảng 5%.

Liên tiếp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản trong nước, đặc biệt ở các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM. 

Những cái tên như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land và một số nhà đầu tư Nhật Bản như Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes đã không còn xa lạ với giới bất động sản trong nước.

Sau nhiều lần hợp tác thành công với các nhà đầu tư Nhật Bản, tháng 4 vừa qua Tập đoàn Nam Long tiếp tục bắt tay hai nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad để thực hiện dự án khu đô thị Akari (Akari City) có diện tích 8,5ha quận Bình Tân.

Theo thỏa thuận, hai nhà đầu tư Nhật và Nam Long cùng góp vốn theo tỷ lệ 50%-50% để thực hiện dự án Akari City với tổng vốn đầu tư khoảng 7.676 tỷ đồng. Dự kiến, Akari City sẽ chính thức được giới thiệu ra thị trường trong quý 3/2018. Trước đó, dự án Mizuki Park mà Nam Long và đối tác Nhật Bản hợp tác mới đây nhất đã chào bán khá thành công.

Hay trước đó vào thang 3/2018, Keppel Land thông qua công ty con là Oil (Asia) Pte mua lại 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited tại dự án Saigon Sports City với giá khoảng 11,4 triệu USD để nắm giữ 100% cổ phần tại Saigon Sports City (quận 2) và được quyền sở hữu toàn bộ dự án khu đô thị rộng 64 ha này.

Gần đây nhất, Frasers Property – đơn vị phát triển bất động sản của Tập đoàn Frasers Centrepoint Limited (FCL) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã tham gia một cuộc thỏa thuận để mua 24 triệu cổ phần của Công ty CP bất động sản Phú An Khang (thành viên của Trần Thái Group). Nếu việc mua lại đề xuất được hoàn tất thành công, Phú An Khang sẽ trở thành công ty con của Frasers. Hiện công ty này đang phát triển một dự án khu dân cư và thương mại tại Quận 2, TP.HCM.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 806,5 triệu USD, chiếm 11,3% tổng vốn FDI.

Về địa bàn đầu tư, Hiệp hội thương mại dịch vụ bất động sản (CRE) cho biết, đầu tư vào bất động sản thường tập trung vào thị trường phía Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung sự chú ý vào thị trường bất động sản Hà Nội, điển hình là thỏa thuận của Tập đoàn Sumitomo ở phía Bắc sông Hồng.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL nhận định, Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài trong tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản, thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là tìm kiếm những cơ hội tài sản có chất lượng tốt.

Chuyên gia này cũng tiết lộ thêm rằng, "mỗi tháng bộ phận thị trường vốn của JLL tiếp đón từ 5 đến 10 nhà đầu tư nước ngoài mỗi tuần và trong khi nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy một năm bội thu cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2018."

Vốn ngoại vào bất động sản tiếp tục tăng

Vốn ngoại vào bất động sản tiếp tục tăng


Tổng vốn đăng ký đạt 4,6 tỷ USD

Tính chung ở các ngành, lĩnh vực, 5 tháng qua cả nước có 1.076 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 393 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,5 tỷ USD. Tính cả vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đạt 7,1 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Giải ngân vốn FDI trong 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017.
 

Theo Tuoitreonline

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này