Giá địa ốc TP HCM tăng ra sao?

30%, 50%, thậm chí 100% hoặc gấp 2-3 lần… tùy thuộc sản phẩm, vị trí, dự án, loại hình, pháp lý… mà giá trên thị trường bất động sản vùng TP HCM đã dịch chuyển tăng qua các đợt giao dịch, so hiện nay với cách đây khoảng 2 -3 năm về trước.


Giá địa ốc TP HCM tăng ra sao?


 

Chóng mặt với giá 

2 năm trước, ở 2016, giá đất khu vực có mặt bằng tương đương dự án Khu dân cư Nhơn Đức, theo giới đầu tư, được giao dịch chỉ khoảng mức 10 -12 triệu đồng/m2. “Rảo” một vòng quanh khu vực Nhà Bè, có thể ghi nhận sơ bộ bình quân đất thổ cư, hoặc đất dự án nằm ở trung tâm, liền kề các dự án lớn nhiều năm vẫn “ấp ủ” khởi công như GSMetro City, có pháp lý đầy đủ, có hạ tầng hoặc cầu đường đi vào đầy đủ, tùy vị trí, mảnh miếng… đều đã có mức tăng xét “khiêm tốn” đều từ 100%.

Ở một phân khúc khác, đất nền biệt thự nhà phố và xây sẵn, tại một dự án cũng có quy mô rất lớn phía Tây Bắc Thành phố, chủ đầu tư cho biết năm 2016, giá một lô khoảng 110 m2 là 5-5,5 tỷ đồng, tương đương 50-55 triệu đồng/m2 chưa bao gồm xây thô. Tại thời điểm hiện nay, giá giao dịch khởi điểm là khoảng 14 tỷ đồng bao gồm xây thô chừng trị giá 3 tỷ đồng/ căn. Tức đất đã tăng giá lên khoảng trên 100 triệu đồng/m2.

Lại nhìn gần hơn, sang phân khúc đất nền nhà phố riêng lẻ, một nền mặt tiền thụt đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, diện tích 110 m2 với nhà nát, có giá giao dịch 6 tỷ đồng. Hiện tại, giá được rao 10-11 tỷ đồng tùy đối tượng khách. Tỷ suất chênh lệch giữa giá khởi điểm cách đây 2 năm ở mọi phân khúc địa ốc với thời điểm hiện nay, rõ ràng quá lớn.

“Mồi dẫn” giá đất tăng

Ở mỗi một khu vực, các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tăng giá đất, như tin quy hoạch, đón lõng hạ tầng… đã được đề cập trong nhiều bài viết trên DĐDN. Tuy nhiên, còn có quá nhiều nguyên do là mồi dẫn kích hoạt thị trường địa ốc tăng nhiệt.

Giám đốc Marketing LDG Group, ông Hoàng Lại Đỗ Thế Nguyên cho rằng xu hướng giãn nở của đô thị lớn ra các vùng vệ tinh trong khi quỹ đất của các vùng giáp ranh cũng bắt đầu cạn là một trong những nguyên nhân “dẫn” nhiệt giá đất. Cùng với đó là chính sách tín dụng “dễ dãi” và việc nới lỏng quy định phân lô bán nền đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giá địa ốc tăng mạnh trong thời gian qua. 

Điển hình, khi TP HCM giãn về phía Đông và các đô thị lớn xung quanh như TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã gần như “cạn” quỹ đất để phát triển các dự án quy mô, đó là cơ hội tăng giá đất cho các vùng phát triển xung quanh như Trảng Bom – Đồng Nai.

“Đô thị hóa là 1 tiền đề của câu chuyện đất đai. Nhưng trong quá trình đô thị hóa, giá đất sẽ không thể tăng chóng mặt hơn gấp nhiều lần. Cần lưu ý rằng phần lớn các giao dịch nóng trên thị trường, không chỉ trả bằng tiền tích lũy mà có sự tham gia làm đòn bẩy từ các nguồn cho vay dài hạn người mua hoặc ngân hàng liên kết liên doanh tài trợ cho chủ đầu tư. Tôi cho rằng một khi hàng tồn kho địa ốc đã về ở mức thấp, và tín dụng đang có dấu hiệu chảy vào khu vực bất động sản đầu tư, thì một chính sách tín dụng thận trọng hơn, là cần thiết. Tuy nhiên, thận trọng nhưng làm giật, khựng thị trường cũng là một thách thức bởi thị trường hiện tại đã có độ mở và quy mô dòng vốn khác hẳn giai đoạn 2008”, ông Lê Ngọc Hoàn đánh giá.


Phần lớn các giao dịch nóng trên thị trường, không chỉ trả bằng tiền tích lũy mà có sự tham gia làm đòn bẩy từ các nguồn cho vay dài hạn người mua hoặc ngân hàng liên kết liên doanh tài trợ cho chủ đầu tư.


Theo Enternews

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này