Tuy nhiên, với các nhà đầu tư đất nền, câu hỏi, “nên đầu tư vào đâu để mang lại hiệu quả cao nhất ?” trở nên… không dễ trả lời?
Đất nền, nhà phố tại TP Hồ Chí Minh: Đầu tư vào đâu hiệu quả?
Đất nền chiếm lĩnh thị trường
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết tháng 9/2016, thị trường căn hộ TP Hồ Chí Minh có khoảng 20.500 căn, tăng 20% so với 9 tháng năm 2015. Trong đó, nguồn cung từ phân khúc trung cấp tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với 58% tổng nguồn cung. Dự báo, từ quý III/2016 đến năm 2018, sẽ có 35.000 căn hộ gia nhập thị trường. Riêng khu vực phía Tây TP chiếm 20% tổng nguồn cung, do quỹ đất khu vực này còn nhiều và giá đất còn tương đối thấp so với các khu vực khác. Các chuyên gia thị trường Savills Việt Nam nhận định, phân khúc căn hộ tại TP Hồ Chí Minh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn cung cũng như giá bán trong nhiều quý qua, đang cho thấy những dấu hiệu của sự bão hòa, dòng tiền mua BĐS đang có xu hướng chuyển dần sang phân khúc đất nền, nhà phố.
Theo sự ghi nhận của các chuyên gia, bắt đầu từ giữa quý II/2016 đến nay, thị trường đất nền, nhà phố tăng trưởng một cách vượt trội. Sự chững lại của thị trường căn hộ đã đẩy nguồn đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc đất nền, giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng dài hạn. Bên cạnh đó, đại đa số người dân Việt Nam đều có tâm lý “ăn chắc mặc bền”, nhu cầu mua đất để tích lũy tài sản trong tương lai được ưa chuộng, sẽ góp phần giúp phân khúc này tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, trở thành kênh đầu tư chủ lực trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, câu hỏi, “nên đầu tư vào đâu để mang lại hiệu quả cao nhất” trở nên… không dễ trả lời?
2 khu vực trọng điểm
Trong xu thế vươn lên mạnh mẽ của phân khúc đất nền, đáng chú ý là "cuộc chiến" thú vị giữa khu vực phía Đông và phía Tây – Tây Bắc TP Hồ Chí Minh. Tại khu vực Tây Bắc TP, được biết UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở QH – KT phối hợp với UBND huyện Củ Chi và Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc tích cực điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc. Cùng với đó, việc hàng loạt công trình giao thông quan trọng như, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, đường cao tốc Long An – Tân Sơn Nhất, đại lộ Đông Tây, các tuyến đường vành đai được đưa vào khai thác, sử dụng đã khiến cho thị trường BĐS khu vực này trở nên sôi nổi trong vài tháng qua.
Trong khi đó, tại khu vực phía Đông thị trường cũng đang hoạt động khá nhộn nhịp. Phân khúc đất nền, nhà phố được tung ra thị trường với số lượng lớn và nhận được sự quan tâm khá lớn từ người mua. Theo khảo sát của phóng viên, giá nhà đất tại các khu vực này đã tăng từ 10 đến 12% so cùng kỳ năm 2015. Đơn cử, tại khu vực quận 9, giá đất tại khu vực phường Long Trường đang dao động trong khoảng 13 – 14,5 triệu đồng/m2, khu vực phường Trường Thạnh cũng tương tự với giá đất dao động trong khoảng từ 14,5 – 17,5 triệu đồng/m2 (khoảng 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/nền/60m2).
Xa hơn một chút, thị trường Đồng Nai cũng đang trong tầm ngắm của giới đầu tư, bởi theo giới chuyên môn, hiện giá đất ở khu vực này hiện còn khá mềm – khả năng sinh lời cao.
"Điểm mạnh của kênh đầu tư này là tỷ suất sinh lời thường khá cao và ổn định, có tính thanh khoản tốt. Đặc biệt, với nguồn vốn thấp, nhà đầu tư vẫn dễ dàng sở hữu được những nền đất ven TP có khả năng sinh lời cao, chính vì vậy, khả năng trong tương lai gần, phân khúc đất nền vùng ven sẽ thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư" – bà Trần Thị Cẩm Tú chia sẻ.
Quan trọng là khả năng sinh lời
Trao đổi về hướng đầu tư bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Thành Doanh – Phó Giám đốc Marketing Công ty Bất động sản GotecLand cho biết, khu Tây TP Hồ Chí Minh nhất là khu vực Chợ Lớn, Bình Tân, Bình Chánh… đang sở hữu quỹ đất khá lớn, và càng lợi thế hơn khi TP Hồ Chí Minh đã và đang quy hoạch chính quyền đô thị vệ tinh, trong đó có khu vực phía Tây là một trong 4 đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh trong tương lai. Tiếp theo là lợi thế lớn bởi khả năng cạnh tranh tốt về giá so với phần còn lại của thị trường. Theo đó, khu vực phía Tây TP có nguồn cung nhà ở thấp nhất 14,5 triệu đồng/m2 và cao nhất không quá 25 triệu đồng/m2, nếu diện tích vừa phải, thiết kế thông minh thì sản phẩm vừa túi tiền với nhiều người. Trong khi đó, tại khu vực phía Đông TP cũng đã được đầu tư một loạt dự án hạ tầng trọng điểm. Chẳng hạn như cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm và đường Võ Văn Kiệt, cầu Sài Gòn và một loạt tuyến đường từ quận 9, quận 2 nối với quận 7 thông qua cầu Phú Mỹ. Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã thông xe, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đang được gấp rút triển khai. Đường Phạm Văn Đồng – Tuyến đường huyết mạch nối liền khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với toàn quận Thủ Đức đã được đưa vào sử dụng khiến cho việc di chuyển trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Khác với khu vực phía Tây, khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư đang tập trung khai thác vào thị trường trung và cao cấp, tuy nhiên, khách hàng cho phân khúc thị trường này không nhiều, đa phần là khách hàng đầu tư.
Đặc biệt, tôi cho rằng, việc đầu tư vào khu vực nào không quan trọng, mà quan trọng là cần đánh giá tiềm năng phát triển của khu vực, biên độ tăng giá và khả năng sinh lời của một BĐS nhất định.
Theo kinh tế đô thị