Nhiều chuyên gia uy tín trong ngành khẳng định tình hình thị trường BĐS hiện tại chưa cần lo ngại về bong bóng, vẫn đang tiếp tục phát triển ổn định và chưa có hiện tượng bất thường. Thị trường chỉ đang diễn ra những “cơn sốt” giá cục bộ phân khúc đất nền một số tỉnh, thành.
Thời gian gần đây, hiện tượng tăng giá nhà đất ở một số tỉnh, thành phố lớn đặc biệt là 3 địa phương đang được Quốc hội bàn thảo thông qua đặc khu vào tháng 6 tới: Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong.
Tình trạng người người, nhà nhà đem cả "bao tải tiền" mà phần lớn là giới nhà giàu Sài Gòn và Hà Nội đến những nơi này "gom" đất không còn hiếm, khiến giá đất nhiều nơi tăng "nóng" cục bộ trong thời gian ngắn. Thống kê của một số tổ chức nghiên cứu thị trường, giá đất nền vùng ven Tp.HCM tăng khoảng 50-70% trong 1 năm qua, đất ở 3 đặc khu tăng giá gấp 2-3 lần…
Diễn biến "nóng" của đất nền khiến nhiều người đang lo ngại đến vấn đề bong bóng nhà đất giống như thời năm 2008 – 2011 đã từng diễn ra, và sau đó xì hơi khiến thị trường đóng băng 3 năm sau đó.
Tuy nhiên, tại một số hội nghị, hội thảo gần đây nhằm phân tích về tình trạng này, nhiều chuyên gia uy tín trong ngành khẳng định "những cơn sốt cục bộ trên chưa đủ làm nên cuộc khủng hoảng nhà đất như những năm 2008.
G.S Đặng Hùng Võ đánh giá tình hình thị trường BĐS hiện tại khác hoàn toàn giai đoạn 2007-2008. Ông cho rằng thời điểm đó giá bất động sản tăng "nóng" theo tuần, theo ngày thậm chí là giờ trên toàn thị trường, ở mọi phân khúc. Tuần này tăng 10% thì tuần sau tăng 25%. Người người, nhà nhà đầu tư nhà đất, thậm chí cả đất nông nghiệp theo đám đông, bất chấp vị trí, giá cả. Khi đó, đường giá bất động sản sẽ tạo thành đường cong đột biến trong thời gian ngắn.
Ở thời điểm hiện tại, theo ông Đặng Hùng Võ thị trường chung chưa có hiện tượng bất thường, tình hình chung về giá ở vẫn đang ổn định, thậm chí giảm. Theo ông, sốt đất vừa qua chỉ diễn ra bất thường và cục bộ ở một số nơi mà nguyên nhân là do việc đánh vào tâm lý thích đất của người Việt vì ảnh hưởng bởi những thông tin không tốt về phân khúc căn hộ. Như vậy, không thể gọi đó là khủng hoảng thị trường bất động sản.
Cùng quan điểm với GS Đặng Hùng Võ, ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS hiện này chưa đáng lo, vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển ổn định.
Thậm chí, theo ông Đính thị trường chung còn đang có chiều hướng giảm nhẹ, nhưng chưa lao dốc nên không thể coi là khủng hoảng. Theo ông, diễn biến sốt đất một số nơi vừa qua là do hiện tượng đầu cơ thổi gia làm méo mó thị trường, chính quyền địa phương đã có những chỉ đạo, và đã có tác dụng ngăn chặn tình trạng này lan rộng.
Nhìn chung trong bối cảnh nền kinh tế hiện đại, nhiều chuyên gia uy tín nhận định đợt sốt đất vừa qua chưa có tác động lớn đến thị trường chung, và đó chỉ là những con sóng nhỏ, chưa phải là bong bóng của thị trường, thậm chí đất tăng giá vừa qua được chuyên gia Savills ghi nhận là cũng có từ nhu cầu thật.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "giá bất động sản – thực hay ảo" do Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây, ông Sử Ngọc Khương Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việ Nam, nhận định giá đất tại Tp.HCM và vùng ven tăng là có thật. Bởi theo ông, tốc độ tăng dân số cơ học do đô thị hóa ở Tp.HCM rất cao, cơ sở hạ tầng nhiều năm qua được đầu tư mạnh, tâm lý người dân mua để tích lũy là có, và thu nhập bình quân đầu người tại Tp.HCM cũng đã tăng lên 2.500 USD nên người dân có tích lũy…thì việc mua bất động sản và giá tăng lên là bình thường. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Khương, một số nơi tăng "nóng" thời gian ngắn là do hiện tượng "thổi giá" của đầu cơ, môi giới.
Nói về hiện tượng này, đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM ông Phan Trường Sơn đồng tình với ông Khương là giá tăng do những yếu tố trên, và mức tăng 5-10% thì hợp lý, còn việc tăng tới 70% thời gian ngắn là không đúng với giá trị thực của sản phẩm, điều này chắc chắn do cò đất đẩy giá.
Sau đợt khủng hoảng kéo dài, từ cuối 2014 thị trường bất động sản bước vào giai đoạn phục hồi. Các dự án bất động sản khởi động lại, và tiêu thụ mạnh trong những năm qua, đặc biệt là ở phân khúc căn hộ và có thêm nhiều sản phẩm BĐS đầu tư mới ra đời như biệt thự biển, condotel.
Điều này dễ nhận thấy ở lượng tồn kho bất động sản đã giảm mạnh trong 5 năm qua. Theo những con số từ cơ quan chức năng, nếu như tồn kho bất động sản vào 2012 là khoảng 120 ngàn tỷ đồng thì nay chỉ còn vào khoảng 22 ngàn tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, thị trường bất động sản đã phát triển khởi sắc. Cũng giống như những thị trường khác, thị trường BĐS không nằm ngoài quy luật cung – cầu, luôn có biến động lên xuống. Thực tế cho thấy, phân khúc đất nền đang diễn biến sôi động nhưng ở phân khúc chung cư và nghỉ dưỡng lại có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm nhẹ nhưng chưa đến mức lao dốc và giảm sâu hoặc đóng băng nên không thể coi là khủng hoảng.
Đến nay, thị trường BĐS vẫn đang được kiểm soát tốt sau nhiều đợt tăng trầm, nhờ vào kinh nghiệm của các thành phần tham gia, từ cơ quan nhà nước đến chủ đầu tư và các nhà đầu tư cá nhân. Họ đều đã có trình độ cao hơn để nhận biết và đánh giá tình hình.
Theo Cafef