Nhận định này được ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đưa ra tại họp báo công bố tình hình thị trường bất động sản quý 3/2018 diễn ra chiều 11/10.
Đại diện VARS đánh giá, quý 3 năm nay, thị trường Hà Nội có nhiều dấu ấn khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Lượng cung tăng hơn 86%, thể hiện niềm tin vào thị trường của các nhà phát triển bất động sản.
Thống kê của VARS cho thấy, trong quý 3 chỉ có 13 dự án bất động sản đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đủ điều kiện bán hàng. Các dự án này cung cấp cho thị trường Hà Nội 4.309 căn hộ và 1.242 sản phẩm nhà liền kề, biệt thự,… Nguồn cung còn lại của thị trường đến từ hàng tồn của các dự án mở bán từ trước đó.
Trong tổng nguồn cung căn hộ, loại sản phẩm có giá trị thấp vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao,đạt 44%, sản phẩm có giá trị trung bình đạt 22% và sản phẩm cao cấp đạt 22%.
Đặc biệt, so sánh với quý 2-2018, nguồn cung phân khúc trung cấp tăng gần 27%. Phân khúc nhà ở siêu cao cấp có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 115 sản phẩm trong quý 2 tăng lên 1.322 sản phẩm trong quý 3, gấp hơn 10 lần.
Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ phân khúc bình dân và cao cấp có dấu hiệu giảm. Cụ thể, số sản phẩm căn hộ bình dân, cao cấp được đưa ra thị trường giảm lần lượt 21,2% và 6,4% so với quý 2.
Lý giải về việc nguồn cung căn hộ bình dân giảm mạnh trên thị trường, ông Đính cho rằng, vị trí của các dự án phân khúc bình dân hiện nay chủ yếu phân bố ở các khu vực xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ, chưa đủ hấp dẫn người mua.
Điểm đáng chú ý của thị trường căn hộ Hà Nội quý này là sự xuất hiện dòng sản phẩm hạng sang, có giá bán cao, chiếm 14% tổng lương cung toàn thị trường.
“Dòng sản phẩm này thu hút một lượng lớn khách nước ngoài. Họ quan tâm và mua hàng ở hầu hết các dự án cao cấp. Theo điều tra, tất cả các dự án cao cấp đều sử dụng hết room dành cho người nước ngoài”, ông Đính cho biết. Theo ông,quý 3 được đánh giá là quý có cơ cấu sản phẩm phân bổ hợp lý nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, đây cũng là quý ghi nhận có nhiều dòng sản phẩm nhà liền kề, biệt thự, shophouse được tung ra thị trường, nâng tổng nguồn cung sản phẩm mới chào bán trên thị trường bất động sản Hà Nội là 10.536 sản phẩm.
Xét về tỷ lệ giao dịch, thống kê của VARS cho thấy, trong quý ghi nhận đạt 897 sản phẩm nhà đất đã giao dịch thành công, tỷ lệ hấp thụ đạt 70% thể hiện nhu cầu thị trường cho dòng sản phẩm nay là khá tốt.
Phân khúc căn hộ giao dịch thành công đạt 5.540 sản phẩm, và tính hấp thụ đạt 60%. Đây được cho là tỷ lệ khá tốt của thị trường quý 3 thường niên. Bởi quý 3 là quý có tháng Ngâu và mùa khai giảng nên thường có tỷ lệ hấp thụ rất thấp.
“Tỷ lệ hấp thụ của các dòng sản phẩm phản ánh đúng thực trạng nhu cầu thị trường. Trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là dòng sản phẩm có mức giá thấp, đạt 54% và dòng cao cấp đạt 13%. Trong dòng sản phẩm cao cấp còn có dòng sản phẩm với mức giá siêu cao cấp chỉ đạt gần 2%”, ông Đính đánh giá.
Ngược lại với thị trường bất động sản Hà Nội, tại TP. HCM, tỷ trọng sản phẩm của phân khúc nhà ở cao và trung cấp lại chiếm nhiều nhất.
Cụ thể, nhà ở cao cấp đạt 40,5% và trung cấp đạt 36,5%. Đặc biệt có một số dự án siêu cao cấp có giá bán lên đến 150 – 200 triệu đồng/m2. Phân khúc nhà ở giá thấp (bình dân) chiếm tỷ trọng nhỏ (21%).
Theo lý giải của đại diện Hội môi giới, sự chệnh lệch giữa tỷ trọng nhà ở cao cấp, trung cấp và bình dân cho thấy quỹ đất để phát triển loại hình nhà ở giá thấp ở TP. HCM đã khan hiếm. Phần lớn các dự án loại này được xây dựng tại các khu vực xa trung tâm thành phố, nơi có giá đất rẻ hơn. Nhưng do vị trí quá xa trung tâm và kết nối với giao thông, hạ tầng phát triển xã hội tại các vùng này còn hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm này không thể dễ dàng.
Song, đánh giá chung về thị trường quý 3, lãnh đạo VARS cho rằng, ngoài sự ổn định và phát triển bền vững từ 2 thị trường lớn, toàn cảnh thị trường bất động sản cả nước ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực từ hầu hết các địa phương.
Theo Tâm An