Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2018 – 2020.
Theo đó, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020, giải quyết 15/37 tuyến đường ngập nước do mưa (đã giải quyết 22/37 tuyến), 28/179 tuyến hẻm (đã giải quyết 151/179 tuyến) và 5/9 tuyến đường ngập nước do triều (đã giải quyết 4/9 tuyến); hoàn thành 2 nhà máy xử lý nước thải (Bình Hưng giai đoạn 2 nâng công suất lên 469.000m3/ngày và Nhiêu Lộc – Thị Nghè công suất 480.000m3/ngàv), triển khai xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, Bình Tân, Tân Hóa Lò Gốm và Bắc Sài Gòn 1 (hiện đã hoàn thành Nhà máy Tham Lương – Bến Cát công suất 131.000m3/ngày).
UBND TP.HCM cũng quyết định thành lập Ban Điều hành chương trình hành động giảm ngập nước trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018 – 2020, gồm 11 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến làm Trưởng ban.
Theo UBND TP.HCM, trong thời gian qua TPHCM đã triển khai nạo vét 550.639m lòng cống thoát nước (đạt 95,38% so với kế hoạch năm 2018), duy tu nạo vét 75 tuyến (14.898m) kênh rạch và cửa xả, sửa chữa 2.270 hầm ga, thay 908 cống bị xuống cấp có khả năng sụp, mở rộng 1.785 miệng thu nước và thay 3.696 nắp hầm ga, nạo vét 13.793 hầm ga, nạo vét 60.954 máng của hầm ga thu nước, nâng 963 khuôn hầm ga, thay 3.696 khuôn hầm ga, sửa chữa máng lưỡi của hầm ga 1.874 cái…
Tiếp nhận thêm 13 tuyến cống với chiều dài 37km đạt 13,96% so với kế hoạch 200km cống; kịp thời thực hiện các công trình cấp bách trong việc kết nối, mở hướng thoát nước, tăng khả năng thu nước cục bộ…
Trong thời gian từ đầu năm đến nay, TP.HCM cũng đã tiếp tục vận hành 1.077 van ngăn triều, 26 trạm bơm với 56 máy bơm cố định và di động (công suất từ 168m3/h đến 84.000 m3/h, tổng công suất 302.880 m3/giờ) cùng với việc vận hành đồng bộ 5 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy – Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vận hành trạm bơm có công suất 26.00096.000m3/h tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập).
Theo báo cáo của TP.HCM, để triển khai các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2016-2020, TP.HCM cần hơn 73.400 tỉ đồng nhưng ngân sách thành phố chỉ có thể bố trí hơn 16.300 tỉ đồng, còn lại cần kêu gọi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.
Từ đây, lãnh đạo TP.HCM cho biết để chống ngập hiệu quả TP.HCM đã công bố danh mục các dự án chống ngập cấp bách được kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới.
Theo đó, có 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải: Lưu vực Tây Sài Gòn với tổng mức đầu tư 7.700 tỉ đồng; lưu vực Bình Tân: 9.804 tỉ đồng; lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm: 6.395 tỉ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 1: 5.544 tỉ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 2: 5.100 tỉ đồng; lưu vực rạch Cầu Dừa: 5.000 tỉ đồng; lưu vực Tây Bắc: 6.000 tỉ đồng.
6 dự án nạo vét, cải tạo các tuyến kênh rạch: Xây dựng bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Chợ Đệm: 8.825 tỉ đồng; xây dựng hệ thống thoát nước và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm: 1.097 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào: 522 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé: 1.250 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Thầy Tiêu: 1.789 tỉ đồng; cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình: 6.184 tỉ đồng.
3 dự án xây đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP.HCM:Cống kiểm soát triều sông Kinh: 1.200 tỉ đồng; cống kiểm soát triều rạch Tra: 1.122 tỉ đồng; đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đoạn còn lại: 3.400 tỉ đồng.
Theo Nam Phong