Hiện nay hệ thống giao thông công cộng Đà Nẵng – Hội An chỉ có tuyến xe buýt “Siêu" dự án 15.000 tỷ đồng. Đà Nẵng kêu gọi sự hợp tác đầu tư dự án tàu điện nối Đà Nẵng – Hội An (Quảng Nam) bằng nguồn vốn vay ODA hoặc PPP.
Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng vừa thay mặt thành phố kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với dự án tàu điện nối Đà Nẵng – Hội An với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng.
Theo đề xuất, dự án tàu điện này có chiều dài khoảng 33km, hướng tuyến chủ yếu kết nối từ sân bay quốc tế Đà Nẵng qua trung tâm thành phố đến Hội An theo tuyến đường ven biển. Tổng mức đầu tư dự án từ 7.497 – 14.995 tỷ đồng, tương đương 330 – 660 triệu USD. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2019-2024.
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, dự án được kêu gọi đầu tư bằng vốn ODA hoặc PPP. Trong đó, đối với vốn ODA sẽ vay với số tiền 6.748 -13.495 tỷ đồng, tương đương 297 – 594 triệu USD. Vốn đối ứng do ngân sách địa phương (TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam) chi dựa trên cơ sở chiều dài của tuyến tàu điện qua từng địa phương. Theo dự kiến, số vốn này từ 749 – 1.500 tỷ đồng, tương đương 33 – 66 triệu USD.
Đối với hình thức PPP, nhà đầu tư sẽ nghiên cứu đề xuất dự án thực hiện theo các hình thức BT hoặc BOT.
Theo bà Lê Thị Kim Phượng, Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, hiện nay việc hạn chế phương tiện giao thông công cộng khối lượng lớn kết nối giao thông giữa TP Đà Nẵng và Hội An và sự gia tăng phương tiện cá nhân trên địa bàn hai thành phố làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, phát triển du lịch cũng như ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của hai địa phương.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện việc kết nối giữa TP Đà Nẵng và TP Hội An có nhiều tuyến đường như: từ Đà Nẵng đi QL1 đến thị trấn Vĩnh Điện (TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) rồi vào TP Hội An; Tuyến thứ 2 từ trung tâm TP Đà Nẵng qua các tuyến đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn – Lê Văn Hiến – Trần Đại Nghĩa – bến xe Hội An và tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng và Hội An.
Trong khi đó, việc kết nối giao thông trên các tuyến này hầu hết là phương tiện cá nhân và xe du lịch của các đơn vị lữ hành. Phương tiện giao thông công cộng kết nối 2 địa phương chỉ có tuyến buýt Đà Nẵng – Hội An. Tuy nhiên, tuyến buýt này hiện nay phương tiện nhếch nhác. Quãng đường kết nối 2 thành phố cũng không quá xa dẫn đến việc người dân hạn chế lựa chọn.
Có khả thi?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng nhận định, dự án tàu điện Đà Nẵng – Hội An chỉ mới là chủ trương, tính khả thi của dự án còn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn và lượng khách. Thực tế, mục đích đầu tư tuyến tàu điện này chính là phát triển du lịch chứ không hẳn giải quyết vấn đề giao thông. Về nguồn vốn thì đầu tư theo hình thức PPP khả thi hơn. "Cái khó là các nhà đầu tư đều "đứng nhìn" hết, nếu họ bỏ tiền ra đầu tư thì họ được lợi gì. Khách quan mà nói, ở Đà Nẵng, Quảng Nam, các dự án đầu tư đang chậm lại do nhiều nguyên nhân. Lượng khách du lịch cũng tùy thuộc vào tình hình thế giới", ông Loan nói.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, chủ trương đầu tư tuyến tàu điện đã được chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam thống nhất. Tuy nhiên, phía TP Hội An chưa thống nhất về hướng tuyến. Số vốn cụ thể sẽ được xác định khi có báo cáo khả thi.
Trước đó, giữa tháng 10/2017, tại Hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2017, dự án đã được đưa ra giới thiệu. Mới đây, tại hội thảo quốc tế "Đầu tư vào đô thị hoá bền vững" diễn ra tại Đà Nẵng, dự án tiếp tục được đưa ra kêu gọi đầu tư.
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, TP Hội An là một di sản, còn Đà Nẵng có sân bay quốc tế. Do đó, để phát triển hai địa phương này nhất thiết cần phải nối gần khoảng cách hơn nữa, phải có tuyến tàu điện từ Đà Nẵng vào Hội An. Qua các hội thảo, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ quan tâm đến dự án và các nhà đầu tư nghiêng về hình thức PPP.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, từ đầu năm 2018 đến nay, lượng khách du lịch đến Hội An đạt 6 triệu lượt, tăng hơn 2 triệu lượt khách so với năm 2017. "Hiện, thành phố đang giao Phòng Quản lý đô thị thành phố kiểm tra, tham mưu hướng tuyến tàu điện Đà Nẵng – Hội An. Tuy nhiên, điểm đến của tuyến phải nằm ngoài khu vực phố cổ", ông Dũng nói.
Ngoài dự án tàu điện kết nối Đà Nẵng – Hội An, hiện nay Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư vào dự án cảng Liên Chiểu, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng… nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương và khu vực miền Trung – Tây nguyên. Trong đó, cảng Liên Chiểu kết nối giao thông thuận lợi với hệ thống đường bộ, đường sắt. Trục dọc là QL1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc – Nam, đường sắt quốc gia, ga đường sắt mới…; Trục ngang kết nối với hệ thống QL9, QL49 và QL14. Đây là những con đường giao thông quan trọng nối Đà Nẵng với các tỉnh Tây Nguyên.
Còn ga đường sắt Đà Nẵng cần di dời đến khu vực phía Tây thành phố để dùng khu đất hiện trạng tái phát triển một khu đô thị mới, theo hướng đô thị xanh.
Theo Vĩnh Nhân