Việc kéo dài tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên về Đồng Nai cùng hàng loạt dự án khu đô thị quy mô lớn dự kiến được triển khai tại đây đã khiến giới đầu tư nô nức kéo về Đồng Nai săn đất.
Săn đất chờ “đón sóng”
Nắm được thông tin sắp tới sẽ có một dự án khu dân cư cao cấp được triển khai tại TP. Biên Hòa, giáp khu Đông TP.HCM, ông Phan Vĩnh Phát – một nhà đầu tư tại TP.HCM đã tranh thủ gom một vài lô đất đẹp trước khi giá đất tăng.
Không riêng ông Phát, khá nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM cũng kéo về Đồng Nai mua đất để chờ “đón sóng”. Đất Đồng Nai được đánh giá là phù hợp với nhiều nhà đầu tư tầm trung tại TP.HCM do giá đất rẻ, chi phí đầu vào thấp và ngày càng kết nối thuận tiện với TP.HCM.
Hơn nữa, về khả năng tăng giá, đất Đồng Nai hiện cũng không thua kém đất tại khu Đông Sài Gòn. Nhiều nhà đầu tư mua đất tại Đồng Nai từ đầu năm 2016 cho biết, giá đất tại đây hiện có nơi đã tăng từ 50-100%.
Không mua đất vì chạy theo quy hoạch, bà Nguyễn Thị Định, một nhà đầu tư tại quận 9 chia sẻ, vì lợi nhuận thu được từ việc mua đất rồi bán lại là tương đối lớn nên bà quyết định đầu tư vào 3 nền đất tại Nhơn Trạch.
Bà cho hay, bà mua 2 lô đất tại đây vào cuối năm 2016 và vừa bán ra hồi tháng 7 với giá bán gần gấp đôi giá mua. Cũng theo bà, để đầu tư đất ở đây, với số vốn chỉ khoảng 600-900 triệu, nhà đầu tư có thể thu về ít nhất là 200-400 triệu.
Không những vốn ít, đất tại các khu vực giáp TP.HCM còn rất dễ bán ra do nhu cầu tìm mua đất của những người dân thành phố là rất lớn. Chính nguồn cầu lớn là yếu tố giúp các nhà đầu tư an tâm hơn khi quyết định xuống tiền.
Dù Đồng Nai đã có chính sách siết chặt khâu tách thửa đất nhưng tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai tại nhiều khu vực như Long Thành, Nhơn Trạch, TP. Biên Hòa và huyện Trảng Bom vẫn rất sôi động. Tuy nhiên so với thời điểm đầu năm, giao dịch nhà đất tại Đồng Nai đã ổn định hơn khá nhiều, không còn rầm rộ người mua kẻ bán như trước.
Theo tìm hiểu tại một số sàn môi giới, xu hướng mua đầu tư vẫn chiếm phần đông và sản phẩm chào bán chủ yếu đến từ các dự án mới triển khai, các lô đất mới lên thổ cư. Tại khu vực trung tâm, giao dịch mua bán đất diễn ra không nhiều do giới đầu tư găm hàng.
“Nguyên nhân khiến giao dịch ổn định không phải là do nhu cầu mua giảm đi mà chủ yếu do việc thiếu hụt nguồn hàng tốt khi nhà đầu tư trước đó không tiếp tục chào bán lại. Các quỹ đất đẹp vốn được săn đón nhiều đa phần bị giới đầu tư giữ lại, không rao bán nên hiện các sàn hầu hết đều bán sản phẩm mới, thuộc các khu dân cư mới triển khai, chưa có nhiều sức hút” – bà Phạm Thanh Thủy, đại diện Công ty Bất động sản Tam Bình chia sẻ.
Bà Thủy cũng cho biết, giá thứ cấp của nhiều lô đất đã tăng từ 50-100% nhưng chủ đất vẫn chưa vội bán ra vì tin tưởng giá sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Đồng Nai vẫn đang trong cơn sốt
Hiện tại, thị trường bất động sản Đồng Nai vẫn đang trong cơn sốt giá. Dù số lượng người mua đã giảm so với dịp đầu năm nhưng giá đất nền tại các khu dân cư vẫn tiếp tục tăng.
Tại nhiều dự án, giá đất đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách mua chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền thuộc các dự án khu dân cư. Số người mua để ở không nhiều, phần lớn là mua đầu cơ.
Đất thổ cư, đất nông nghiệp tại nhiều tuyến đường chính ở khu vực Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa cũng đã tăng từ 30-60%. Tình trạng tăng giá bất động sản tại những khu vực trên hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại vì nhiều người vẫn đang tích cực gom đất để chờ bán kiếm lời.
Từ cuối năm 2016, giá đất quanh khu Nhơn Trạch tăng mạnh, các lô đất thổ cư vốn có giá 5-6 triệu/m2 nay đã tăng lên 10-12 triệu/m2. Đất nông nghiệp bán theo sào trước đó chỉ khoảng 400-600 triệu/sào, giờ đã tăng lên 700 triệu-1 tỷ/sào.
Tại khu vực Long Thành, giá rao bán đất nông nghiệp, thổ cư hiện đều đã tăng gần gấp đôi so với năm 2016, lên mức 10-12 triệu/m2. Không chỉ đất thổ cư, giá đất vườn cũng tăng từ 500-700 nghìn/m2.
Tương tự, tại TP. Biên Hòa và những vùng giáp ranh thành phố như huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, giá đất cũng tăng từ 20-30%, lên mức 12-14 triệu/m2, trong khi trước đó chỉ ở mức 5-7 triệu/m2. Bên cạnh đó, tại một số khu vực được làm mới, mở rộng, cải tạo đường xá hay có quy hoạch làm khu công nghiệp, cụm công nghiệp… giá đất thổ cư, nông nghiệp cũng đều tăng từ 30-50%.
Cụ thể, giá đất nông nghiệp ở xã Xuân Đường, Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) cuối năm trước chỉ 500-600 triệu đồng/ha hiện đã tăng lên 800-900 triệu đồng/ha. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân tại Đồng Nai và Tp.HCM về mua đầu cơ thổi giá rồi bán lại kiếm lời.
Quãng đường di chuyển từ Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành đến TP.HCM ngày càng được rút ngắn. Đây cũng là nguyên nhân khiến làn sóng đầu tư từ TP.HCM đến Đồng Nai ngày càng mạnh mẽ. Sắp tới, đề án kéo dài tuyến metro về Đồng Nai sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện hạ tầng giao thông từ Đồng Nai đến thành phố.
Xu hướng săn đất vùng ven để phát triển các dự án lớn của nhiều đại gia trong ngành bất động sản trong năm 2018 cũng sẽ kéo nhu cầu giao dịch đất nền từ khu Đông về Đồng Nai.
Giới chuyên gia dự báo, trong năm 2018, thị trường nhà đất Đồng Nai sẽ còn tiếp tục nóng và xu hướng tăng giá đối với những quỹ đất đẹp vẫn chưa thể dừng lại.
Theo Enternews