Theo quy hoạch tổng thể Phú Quốc đến 2030, thị trấn An Thới ở Nam đảo sẽ trở thành 1 trong 3 khu đô thị lớn nhất đảo Ngọc. Với những điều kiện thuận lợi hiện tại, An Thới được dự đoán sẽ sớm trở thành “thủ phủ” kinh tế, du lịch mới của Phú Quốc.
Vận hội mới của An Thới
Thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm, khách du lịch đến Phú Quốc đạt trên 1,3 triệu lượt, tăng 42,8% so với cùng kỳ. Riêng khách quốc tế tăng 70,6%. Sức tăng trưởng vượt trội lên tới hàng chục % so với cùng kỳ năm trước cho thấy du lịch Phú Quốc đang đi đúng hướng.
Nhìn vào các yếu tố thúc đẩy du lịch Phú Quốc bứt phá, không thể không nhắc đến những công trình du lịch, vui chơi giải trí và BĐS nghỉ dưỡng tầm cỡ của các nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam…
Những dự án “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã bắt đúng nhịp phát triển và nhanh chóng đưa Nam đảo trở thành nơi nhất định phải đến.
Nói về Nam đảo, thì An Thới chính là trung tâm, là trái tim cho sự phát triển vượt bậc. Từ chỗ chỉ sở hữu “vốn sẵn có” là vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, những bãi biển tuyệt mỹ, thì nay An Thới đã trở thành vùng đất đầy tiềm năng cho kinh tế, du lịch và BĐS phát triển. Sự xuất hiện của quần thể du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí tỷ đô do Sun Group đầu tư, trong đó có Cáp treo Hòn Thơm ở xã Bãi Thơm, thị trấn An Thới được ví như “cây đũa thần” tạo nên diện mạo hoàn toàn mới hấp dẫn cho thị trấn Nam đảo này.
Kể từ khi chính thức khai trương đầu tháng 2/2018, mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến An Thới để trải nghiệm Cáp treo Hòn Thơm kỷ lục Thế giới. Nhiều người dân An Thới phải thốt lên rằng, “chưa bao giờ thấy khách du lịch đến đây nhiều như bây giờ”, và “chưa bao giờ An Thới lại có nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng đẹp và sang đến thế”. Lượng khách tăng trưởng mạnh sẽ kéo theo sự phát triển về kinh tế, các ngành nghề dịch vụ du lịch.
Định hướng đầu tư phát triển lớn về giao thông Phú Quốc nói chung, An Thới nói riêng tạo thêm những yếu tố thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của Nam đảo.
Theo quy hoạch giao thông, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được nâng cấp đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, đảm bảo phục vụ cho các loại máy bay B777, B787, A350 hoặc tương đương; công suất 4 – 6 triệu khách/năm và 100.000 – 200.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2020; 15 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030. Riêng An Thới sẽ có bến xe hiện đại và cảng du lịch quốc tế Hòn Thơm.
“Đất lành” cho bất động sản du lịch
Phát biểu tại hội thảo “Thị trường bất động sản Kiên Giang có gì mới?” diễn ra ngày 15/6 vừa qua, Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: hiện Phú Quốc lấy du lịch làm trọng tâm từ đó phát triển thị trường bất động sản.
Giới chuyên gia và lãnh đạo sở ngành Kiên Giang cùng đánh giá, tình hình đầu tư và hoạt động của thị trường bất động sản ở Kiên Giang thời gian qua đang đi đúng quy hoạch, giao dịch khá sôi động.
Riêng với huyện đảo Phú Quốc, theo ý kiến nhiều chuyên gia, để phát triển bất động sản Phú Quốc bền vững, việc đầu tiên là tỉnh Kiên Giang cần kêu gọi đầu tư hạ tầng từ các tập đoàn lớn, sau đó sẽ lôi kéo được các nhà đầu tư dịch vụ, sản xuất khác. Điều này rất đúng với Nam Phú Quốc. Thực tế, địa phương này đã làm rất tốt việc thu hút vốn, kéo được hàng tỷ đô la đầu tư về đảo Ngọc, mà những dự án lớn, trọng điểm chủ yếu tập trung nhiều ở Nam đảo.
Với việc Nam Phú Quốc trong đó tâm điểm là thị trấn An Thới đang hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, thì khu vực này chính là “đất lành” cho đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Thị trường bất động sản vốn đã “bắt sóng” được tiềm năng lớn mạnh của Nam đảo, nên hầu như quỹ hàng của dự án nào do Sun Group đầu tư tại đây cũng nhanh chóng khan hiếm chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt thị trường.
Chẳng nói đâu xa, ngay chính tại khu vực chân Cáp treo Hòn Thơm, lượng du khách khổng lồ mỗi ngày qua lại nhộn nhịp sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ du lịch như lưu trú, nhà hàng, cafe, mua sắm…
Theo Enternews