Trong khi các điểm đến du lịch của Việt Nam như TP.HCM, Đà Nẵng… còn đang chật vật với bài toán làm sao rộng cửa đón dòng khách du lịch quốc tế theo đường biển, thì Quảng Ninh đã bứt phá vươn lên trong “đường đua công thức 1”, với “bệ phóng” từ hơn 1.000 tỷ đồng góp vốn, thi công trong hơn 1 năm của một doanh nghiệp kinh tế tư nhân dạn dày kinh nghiệm.
Du thuyền 5 sao ngậm ngùi quay mũi
Được nhìn nhận là giàu tiềm năng đón khách từ đường du lịch biển, với lợi thể biển đảo tuyệt đẹp trải dài từ Nam chí Bắc, cùng hàng loạt resort nghỉ dưỡng cao cấp đang ngày càng mở rộng, nhưng du lịch Viêt Nam vẫn có những lúc ngậm ngùi nói “không” với dòng khách đến từ các du thuyền sang trọng.
Mới đây, 2.800 khách trên một du thuyền đã hủy kế hoạch đến TP.HCM. Cách đó vài tháng, một tàu biển mang theo 4.000 du khách (chủ yếu quốc tịch Mỹ, Anh, Canada, Úc…) và 1.600 thủy thủ đoàn cập cảng Phú Mỹ nhưng phải lênh đênh ngoài biển mặc dù đã đăng ký trước 18 tháng vì lý do tàu hàng đã lấp đầy cảng.
Tại một hội thảo về cảng biển, đại diện của Tổng công ty đường thuỷ Việt Nam Vinaline thừa nhận thực trạng vì chưa có cảng đón tàu khách chuyên dụng nên các bến cảng hàng hóa đang gánh đồng thời 2 trách nhiệm: Vừa khai thác theo công năng công bố cảng, vừa kết hợp đón tàu du lịch quốc tế khi có cầu cảng trống. Thành ra, khách du lịch tới Việt Nam bằng đường biển gặp không ít bất cập hoặc thiếu thiện cảm: Bị chào đón chung với hàng hoá, bị tăng bo vào bờ bằng tender…
Một ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp của Đà Nẵng, mảnh đất vàng phát triển du lịch biển. Trong khoảng 5 năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường biển tăng gấp 3 nhưng hạn chế lớn nhất của thành phố biển này là vẫn chưa có cảng tàu chuyên dụng để đón khách.
Theo ông Nguyễn Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, việc sử dụng chung cầu cảng phục vụ đồng thời hành khách và hàng hóa có những bất tiện như khách không an tâm khi đi phía dưới những container hàng hóa, đồng thời khó khăn trong việc làm thủ tục nhập cảnh, tìm hiểu du lịch ngay tại cảng vì không có nhiều thời gian…Sức hấp dẫn của một vùng đất, của một điểm đến địa phương hay quốc gia, vì thế mà có nguy cơ giảm dần.
Chuyến tàu khai thông nhiều “điểm nghẽn”
Trong bối cảnh đó, chuyến tàu biển sang trọng, hiện đại mang tên Celebrity Millennium thuộc hãng tàu biển Royal Caribbean Cruise Lines của Mỹ cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long những ngày cuối tháng 11 vừa qua có một ý nghĩa đặc biệt. Không chỉ đưa hơn 3.000 du khách và thủy thủ đoàn thuộc nhiều quốc tịch đến tham quan Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch khác, sự kiện này đã khai thông những điểm nghẽn về cách làm du lịch, mở thêm những không gian mới cho hợp tác, phát triển du lịch, kinh tế mang tầm quốc tế.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được cấp phép hoạt động từ tháng 11 là công trình tọa lạc ngay bên trái tuyến luồng Hòn Gai – Cái Lân thuộc phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, có tổng vốn gần 1.100 tỷ đồng, do Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long đầu tư.
Công trình giao thông bến cảng cấp đặc biệt này được thiết kế đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc. Tại nhà ga Cảng hành khách rộng 4.500 m2 gồm 3 tầng với tổng diện tích 13.500 m2, một lần nữa bàn tay pha trộn điêu luyện những tinh túy văn hóa, kiến trúc Việt Nam và châu Âu của kiến trúc sư lừng danh Bill Bensly lại thăng hoa để tái hiện phố cổ Hội An với tàu biển châu Âu trung cổ.
Tiên phong dẫn lối
Có một thực tế là chi phí xây dựng những công trình giao thông đặc thù, quy mô như cảng tàu khách là rất lớn nên chưa có địa phương hay nhà đầu tư nào đầu tư riêng một cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt. Ngay cả TP.HCM, Đà Nẵng hay Bà Rịa Vũng Tàu, giới chức đã nhìn ra tầm quan trọng của cảng biển chuyên biệt thì ý tưởng cũng mới dừng lại ở các đề đạt tại… hội thảo, hội nghị. Trong bối cảnh đó, mới thấy bản lĩnh của Quảng Ninh khi huy động nguồn lực từ khối kinh tế tư nhân và tính cam kết chuyên nghiệp của doanh nghiệp tư nhân khi hiện thực hóa ý tưởng này thực sự mang tính tiên phong như thế nào.
Sau khi đón những vị khách đầu tiên đến Cảng, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh không giấu nổi sự hồ hởi: “Đây là hình thức đối tác công tư hết sức hiệu quả mà tỉnh Quảng Ninh đang phát huy trên một loạt công trình trọng điểm giao thông”.
Từ góc độ lợi ích quốc gia, sự kiện này không chỉ dừng lại ở đó. Không chỉ khẳng định cam kết sát cánh với địa phương, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long đi vào vận hành đã mở ra đã mở ra dấu mốc mới cho du lịch tàu biển Việt Nam. Có lẽ, nếu không phải là sự quyết liệt, khẩn trương, năng động của khối kinh tế tư nhân thì những dấu ấn mới mẻ như thế này khó mà trở thành hiện thực. Đây là minh chứng sống động cho thấy nếu biết phát huy nguồn lực vô tận của khối kinh tế tư nhân thì du lịch sẽ tăng trường, góp phần vào sự phồn thịnh của nền kinh tế.
Theo A.D