M&A bất động sản sôi động hơn trong 4 tháng đầu năm

Hoạt động sáp nhập và thâu tóm các dự án BĐS đang diễn ra rất sôi động trong năm 2018, đúng như những dự báo trước đó của giới chuyên môn.


M&A bất động sản sôi động hơn trong 4 tháng đầu năm
 

Một vài con số thống kê từ JLL cho thấy hoạt động thâu tóm và sáp nhập bất động sản ngay trong quý I/2018 đã đạt tới đỉnh điểm là 200 triệu USD và được dự báo sẽ còn tăng kỷ lục trong các quý tới. Rất nhiều các thương vụ “bom tấn” M&A bất động sản đã diễn ra ngay thời điểm đầu năm.

Đầu quý II/2018, tập đoàn Vingroup cho biết công ty Vinhomes và một công ty thành viên khác đã ký thỏa thuận với quỹ đầu tư GIC Private Limited của Chính phủ Singapore. Theo đó, GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (khoảng 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. GIC là một trong số nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam với các khoản đầu tư vào các ông lớn như Masan Group, Vietjet Air, Vinamilk, FPT, PAN Group, Vinasun… với tổng giá trị khoảng gần 15.000 tỷ đồng.

Một thương vụ M&A đáng chú ý vừa diễn ra vào cuối tháng 4/2018 giữa Tập đoàn Nam Long và hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp (trước đây là Hankyu Realty, đến từ Osaka) và Nishi Nippon Railroad (đến từ Fukuoka). Nam Long tiếp tục khẳng định mối quan hệ hợp tác dài hạn với đối tác bạn thông qua lễ ký kết hợp tác và công bố dự án Khu đô thị Akari – (Akari City) tại quận Bình Tân. Theo thỏa thuận, hai nhà đầu tư Nhật và Nam Long cùng góp vốn theo tỷ lệ 50% – 50% để thực hiện dự án Akari City với tổng vốn đầu tư khoảng 7.676 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong những dự án trọng điểm của Nam Long trong 3-5 năm tới.

Trước đó, hàng loạt thương vụ hợp tác chuyển nhượng lớn đã diễn ra trên thị trường Tp.HCM và Hà Nội. Một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là Nomura Real Estate đã thâu tóm 24% giá trị tòa nhà Sunwah Tower tại quận 1; REIT-nhà đầu tư ngoại đến từ Thailand thâu tóm thêm 2 dự án tại Tp.HCM; Frasers Property, công ty bất động sản đa quốc gia Singapore thuộc tập đoàn Frasers Centrepoint Limited phát triển dự án căn hộ cao cấp quận Thao Dien; Strategic Hospitality Reit thâu tóm 2 dự án Capri by Fraser và BIS Nam Sài Gòn tại quận 7…

Ở khu vực phía Bắc, mới đây Công ty đầu tư bất động sản CapitaLand mua lại khu đất rộng 9.000m2 trên đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội với giá 50,7 triệu USD. Tập đoàn này cũng có kế hoạch xây dựng dự án cao 25 tầng, gồm 380 căn hộ và khu vực văn phòng rộng gần 22.000m2, khu vực bán lẻ rộng gần 20.000m2, có tổng giá trị khoảng 217 triệu USD tại Hà Nội.

Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước đang dần khẳng định mình với những giao dịch đáng chú ý. Vào đầu năm nay, Công ty CP địa ốc Phú Long mua lại 50% cổ phần của dự án Splendora và thay chỗ nhà đầu tư Hàn Quốc Posco E&C tại liên doanh này. Splendora là khu đô thị rộng 265ha nằm trên trục đường cao tốc Láng – Hòa Lạc với quy hoạch 6.440 căn hộ chung cư và 1.311 biệt thự, nhà liền kề.

Một số thương vụ có tiếng khác như: Tập đoàn Thaigroup thâu tóm một lô đất tọa lạc ngay trung tâm Tp.HCM; Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vừa ra thông báo đã bán khu đất số 51 Phan Bội Châu với mức giá 288,6 tỷ đồng…

Theo dự báo từ giới chuyên môn, năm 2018 sẽ là một năm kỷ lục cho M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Động thái hạn chế cho vay bất động sản, kiểm soát nợ xấu và duy trì tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã buộc các nhà đầu tư tìm kiếm các nguồn vốn khác, trong đó có M&A.

Hiện nay, các chủ đầu tư có 3 nguồn vốn chủ yếu để triển khai các dự án bất động sản, bao gồm vốn tự có, vốn vay trực tiếp ngân hàng và nguồn tiền từ các khách hàng. Tuy nhiên nhiều chủ đầu tư hầu như chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn vay trực tiếp ngân hàng và dòng tiền từ khách hàng. Việc siết dòng vốn tín dụng cho thị trường bất động sản khiến nhà đầu tư chuyển sang huy động vốn thông qua hoạt động M&A. Hơn nữa, chính sách mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ cũng sẽ tạo ra sức hút dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS một cách mạnh mẽ. Với tín hiệu lạc quan như vậy, doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng 2018, xu hướng M&A sẽ nở rộ hơn nữa.  

Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Bộ phận cho thuê JLL Việt Nam nhận định, tốc độ tăng trưởng và nhu cầu về bất động sản cao, tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, thị trường Việt Nam đang hấp dẫn và có sức cạnh tranh hơn. Việt Nam là điểm đến cho đầu tư trung và dài hạn về BĐS của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Các hoạt động M&A, IPO gọi vốn cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới.
 

Theo Enternews

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này