Đất Hưng Yên dậy sóng

Lâu nay, Hưng Yên không phải là khu vực được chú ý trên bản đồ địa ốc. Thế nhưng vài năm trở lại đây, quỹ đất Hà Nội ngày càng khan hiếm, giá đất bị đẩy lên cao khiến các nhà đầu tư dịch chuyển về các tỉnh lân cận tìm nguồn đất mới. Thực tế này đã giúp cho phân khúc đất nền tỉnh lẻ, trong đó có Hưng Yên trở nên sôi động.


Đất Hưng Yên dậy sóng


Đất vùng ven đắt gấp ba đất thành phố

Khác với quy luật bình thường là mặt bằng giá đất ở các khu vực trung tâm thành phố, nơi hạ tầng hoàn thiện sẽ cao hơn thì ở Hưng Yên, sức nóng lại tập trung ở một số khu vực vùng ven, điển hình là Văn Giang, Cửu Cao, Chiêm Mai, Phố Nối và Như Quỳnh. Trong đó, đất Văn Giang và Mỹ Hào có sức tăng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo khảo sát của CafeLand, giá đất tại trung tâm thành phố Hưng Yên dao động từ 16 – 20,5 triệu đồng/m2. Giá đất nền dự án Phúc Hưng Complex (ngay đường Nguyễn Văn Linh rẽ vào) dao động trên dưới 20 triệu đồng/m2. Mức tăng giá của đất nền khu vực thành phố cũng được cho là ổn định, khoảng 10%/năm.

Trong khi đó, tại các khu vực Văn Giang, Cửu Cao, Phố Nối, Như Quỳnh và Chiêm Mai, giá đất ngang bằng, thậm chí cao gấp đôi, gấp 3 đất thành phố. Cụ thể, đất khu Phố Nối, Như Quỳnh có giá 20 – 25 triệu đồng/m2.
Tại huyện Mỹ Hào, một số người dân sống tại đây cho biết, đất nền khu vực chợ Bao Bì đang rất nhộn nhịp. Khu chợ buôn bán có giá 40 – 45 triệu đồng/m2. Nhiều khu đất phân lô cũng như đất dự án khu vực  này có giá từ 30 – 35 triệu đồng/m2. Đất nền dự án TNR Star Phố Nối khoảng 16 triệu đồng/m2 trở lên.

Giá đất từ khu nhà ở Phúc Thành di chuyển xuống một chút dao động từ 70 – 84 triệu đồng/m2. Một số lô không nằm ở mặt đường lớn, gần chợ Bao Bì giá từ 30 – 50 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.

Theo một số môi giới tại các khu vực nói trên, những lô đất xung quanh chợ Bao Bì được cho là có vị trí đẹp nhất, thường được dùng để kinh doanh nhà hàng, cafe, khách sạn… nên giá đất cao. Khảo sát một số quán cafe tại những khu vực này thấy giá thuê mặt bằng tầng 1 ở một nhà là 20 triệu đồng/tháng.

Cùng với Mỹ Hào, đất Văn Giang cũng đang nằm trong khu vực có mức giá đắt đỏ nhất Hưng Yên. Những lô đất thuộc khu vực vòng xuyến Văn Giang và đường Liên tỉnh có  giá bán từ 30 – 50 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền thuộc trục đường chính có thể kinh doanh có giá từ 23 – 30 triệu đồng/m2. Cách đây một năm, đất khu vòng xuyến có giá từ 25 – 40 triệu đồng/m2, đất mặt tiền trục đường chính có giá từ 17 – 24 triệu đồng/m2.

Ngoài thị trấn Văn Giang, đất Xuân Quan và Cửu Cao cũng có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, do là đất đền bù cho người dân khi thu hồi đất xây dựng khu đô thị Ecopark đang trong giai đoạn làm hạ tầng nên giá chưa có biến động mạnh.

Anh Thảo, môi giới nhà đất khu vực Văn Giang cho biết, tại Cửu Cao, đất phân lô tại dự án gần trường cấp 3 Văn Giang (đã có đường, điện) có giá từ 21 – 25 triệu đồng/m2. Đất thổ cư cách khu đô thị Ecopark khoảng 2km có giá từ 8 – 15 triệu đồng/m2, cách Ecopark 4 – 5km có giá từ 4 – 8 triệu đồng/m2. Đất thuộc khu tái định cư Ecopark có giá từ 13 – 20 triệu đồng/m2.

Theo môi giới này, nếu nhà đầu tư có tầm nhìn xa, muốn đầu tư với vốn ban đầu thấp có thể tìm đến những lô đất cách Ecopark 4 – 5km. Khu vực này đang đón sóng hạ tầng vành đai 4 nối Pháp Vân – Cầu Giẽ chạy qua địa phận Văn Giang và cầu Mễ Sở vượt sông Hồng, nối Hà Nội với Hưng Yên. Do đó, dự kiến giá đất khu vực này sẽ tăng trong thời gian tới.

“Giá đất khu vực Văn Giang hiện đã tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Định hướng phát triển của Văn Giang đến 2020 là phát triển thiên về đô thị. Ngoài Ecopark, sắp tới khu vực này sẽ triển khai thêm một số khu đô thị mới. Cùng với hạ tầng, tiện ích hoàn thiện, chắc chắn giá đất Văn Giang sẽ còn tăng”, anh Thảo cho biết.

Đất Hưng Yên dậy sóng

 

Giá có lên do nhu cầu thật?

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua bất động sản Hưng Yên có sự phát triển sôi động là nhờ vào sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông như quốc lộ 38, đường 5 kéo dài, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… Ngoài ra, sự xuất hiện của đô thị Ecopark cũng đã làm thay đổi diện mạo và đẩy giá trị đất Văn Giang lên cao. Cùng với đó là vị trí địa lý giáp Hà Nội, giúp bất động sản Hưng Yên được “ăn theo” hạ tầng giao thông, xã hội hoàn chỉnh.

Thông thường, tại khu vực thành phố/thị xã – nơi diễn ra tốc độ đô thị hóa cao sẽ là nơi đứng đầu về giá trị bất động sản.Tuy nhiên, điều này có vẻ không đúng với Hưng Yên khi giá đất vùng ven tăng gấp ba giá đất thành phố. Trước băn khoăn này, anh Thanh, một môi giới lâu năm khu vực trung tâm TP. Hưng Yên cho rằng, giá đất sẽ tăng theo từng đợt, tùy từng khu vực và nhu cầu của người mua để ở hay để đầu tư.
“Xung quanh các lô đất trung tâm thành phố thường là các tòa nhà hành chính, bệnh viện, trường học nên khách hàng đa phần là có nhu cầu thực mua để ở, không có nhà đầu tư lướt sóng nên thị trường không sôi sục như khu Phối Nối, Như Quỳnh, thị trấn Văn Giang. Giá sẽ tăng ở một mức nhất định, nếu cao hơn khách hàng sẽ không mua. Còn tại các khu vực tăng giá đột biến, thường giá bị đẩy lên một phần nhưng cũng trên cơ sở nhu cầu đầu cơ, lướt sóng tại những khu vực này tốt”, anh Thanh giải thích và cho rằng, khách hàng nên căn cứ vào nhu cầu đầu tư hay ở để lựa chọn khu vực phù hợp, tránh tình trạng “xuống tiền” với giá cao rồi ngậm “quả đắng”.

Đánh giá về thị trường bất động sản ven Hà Nội nói chung, Hưng Yên nói riêng thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng tỉnh nào phát triển mạnh hầu hết đều có sự đầu tư, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh đó như khu công nghiệp, Phố Nối có KCN Phố Nối, Bắc Ninh có Sam Sung… Định hướng kinh tế tạo ra việc làm, tăng trưởng GDP khu vực tăng cao thì ngay lập tức khu vực đó có sự phát triển theo của bất động sản.

“Tuy nhiên, dù thị trường bất động sản phát triển như thế nào thì luôn trong sự kiểm soát, định hướng của địa phương, không thể tự phát”, ông Đính nhấn mạnh và cho rằng các dự án đất nền ở Hưng Yên cũng như một số khu vực ven Hà Nội đang bán tốt nhưng thị trường tại đây chưa có sự cạnh tranh gay gắt.

Theo ông Đính, thị trường các tỉnh quanh Hà Nội không có sự khan hiếm về hàng vì quỹ đất đang tốt và có quy hoạch, có định hướng, không thiếu nguồn. Nếu nhu cầu tăng thì sẽ có ngay quỹ đất dự phòng.

Do đó, việc sốt đất, tăng giá đất chỉ là cục bộ, xảy ra tại một khu vực nào đó, do một nhóm đầu cơ tạo ra. Thực tế này cần sự phát hiện của tất cả những người quan tâm đến thị trường để sớm có cảnh báo.

Tuy nhiên, ông Đính cũng thừa nhận, tại những khu vực quanh Hà Nội, giá bất động sản có lên do nhu cầu thật, khó diễn ra sốt đất. Điều này có thể do việc phát triển nhà ở chưa theo kịp nhu cầu của người dân. Ví dụ như tại Thái Nguyên, trong thành phố có nhiều người muốn mua đất xây nhà nhưng không có nên nhiều đơn vị đã đến khu vực Phổ Yên, sông Công phát triển dự án, tạo ra hàng nghìn đất nền chia lô, giải tỏa ngay cơn khát của người có nhu cầu. Khi hết đất, nhiều chủ đầu tư đã làm ngay các dự án chung cư cao tầng hàng nghìn căn hộ để đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

 

Theo Cafeland

Cảm ơn bạn đã like và chia sẻ bài viết này